Lợi dụng tâm lý người già muốn dùng thực phẩm bồi bổ sức khỏe của Hàn Quốc, một số đối tượng đã về các vùng quê, ngoại thành Hà Nội để dụ dỗ họ mua hồng sâm, linh chi, táo đỏ… giá rẻ rồi lừa đảo bán nhân sâm, cao, dán, giường điện giá “cắt cổ”.
Những miếng dán được quảng cáo có tác dụng thần kỳ. |
Hàng quý chỉ bán cho... người già
Là một giáo viên về hưu, lại hay bệnh tật nên bà H.T.Đ (trú tại xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội) luôn mua những thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho cơ thể để chăm sóc sức khỏe của mình.
Gần đây, nơi bà sống bỗng xuất hiện nhiều cô cậu thanh niên tìm cách tiếp cận những ông già bà cả nơi đầu làng, cuối xóm, mời đến một trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng máy móc hiện đại cho người già.
Tại đây, các ông, bà được nhân viên hướng dẫn tập máy tận tình, sau đó sẽ được tham khảo qua các mặt hàng “quý hiếm” mà trung tâm đang bán như: Hồng sâm, táo đỏ... cùng nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, với những công dụng “trên trời dưới biển”. Đáng lưu ý, không cần mua sản phẩm, các ông bà vẫn được tặng quà mang về, khi thì chai mắm, lúc chai dầu ăn...
Nhưng mọi chuyện không dừng lại tại đó, một ngày nọ, bà Đ. bỗng nhiên mang về nhà rất nhiều kẹo sâm, táo đỏ Hàn Quốc với niềm tin ngây thơ rằng đây là hàng chính hãng giá rẻ. Sau một hồi gặng hỏi, con cháu bà Đ. “ngã ngửa” khi biết bà mua túi táo đỏ 700 nghìn đồng, gói kẹo sâm 200 nghìn đồng...
Mặc dù đã được con cháu cảnh báo về việc có thể bị lừa đảo nhưng những ngày sau đó, bà Đ. vẫn miệt mài đến trung tâm để được “cải thiện sức khỏe” và tiếp tục tin vào những lời mời mọc có cánh: “Nếu bà cần gì thì gửi nhờ các cháu mua, vẫn là hàng chính hãng mà giá lại ưu đãi hơn”.
Và, mọi chuyện đã đi quá giới hạn khi bà Đ. mua về một hộp sâm Hàn Quốc với giá 6 triệu đồng cùng chiếc giường điện được quảng cáo chữa đau lưng, đau khớp có giá... 32 triệu đồng. Đến lúc này, đáp lại phản ứng gay gắt của con cái, bà Đ. vẫn lớn tiếng quát: “Tiền của tao, tao mua gì chúng mày mặc kệ tao!”.
Cũng “sập bẫy” như bà Đ., nhưng nhẹ hơn, bà T.T.T. (cùng trú tại xã Phù Lỗ) đến trung tâm này để sử dụng máy móc tại đây và cũng được nhận quà mang về. Vì còn bán tín bán nghi nên bà T. không dám “chơi lớn” mà chỉ mua một vài miếng cao dán, vài chai dầu xoa bóp. Bà cho biết, trung tâm quảng cáo rằng: “Đau chỗ nào, dán chỗ đó, đảm bảo khỏi”.
Mỗi miếng cao được bà mua với mức giá 100 nghìn đồng, nhưng khi dán vào chân thì thấy vẫn đau nhức như thường. Lúc này, như được thức tỉnh, bà T. đã ngừng việc mua bán tại trung tâm đó và không còn lui tới đó thêm lần nào nữa. “
Ngậm đắng” vì mất cảnh giác
Ưu đãi thử máy miễn phí dễ đánh vào tâm lý của những người già. |
Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL), con gái bà Đ. - chị Hoàng Hà (cùng trú tại xã Phù Lỗ) cho hay, khi biết mẹ mình bị dụ dỗ mua chiếc giường với giá 32 triệu đồng, chị đã đến tận trung tâm để trao đổi với nhân viên, mong muốn được trả lại giường, nhưng bị từ chối.
“Nhân viên ở đó nói rằng không ai bắt bà mua cả, là do bà tự mua.Vì vậy, trung tâm sẽ không hỗ trợ hoàn tiền cho khách”, chị Hà nói. Chán nản, chị đành quay về.
Thế là, dù đã trải qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Đ. vẫn phải trả “học phí” cao chót vót cho “phi vụ” nhẹ dạ cả tin của mình.
“Các ông, bà đến trung tâm đều được gọi là bố, mẹ và được tận tình chăm sóc nên tôi thấy nhiều người già về khen chất lượng tại đây tốt”, chị Hà cho hay. Tiếp lời, chị kể, các nhân viên tại trung tâm này thường “chốt” khách rất nhanh bởi lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào như vậy.
“Những ông, bà đến trung tâm cùng mẹ tôi đã kể lại với nhân viên tại đó rằng con cháu nhà bà Đ. đều thành đạt, giàu có nên chuyện báo hiếu mẹ với số tiền 32 triệu đồng chẳng có gì to tát. Nhiều người tâng bốc, nhân viên nài nỉ, cộng với tính cách bốc đồng của mẹ tôi nên mới mất tiền oan. Thực tế chúng tôi cũng chỉ là giáo viên, làm công ăn lương bình thường, không có chuyện dư dả tiền để cho bà mua những thứ đó. Không ngờ bà lại đi tin lời của người xa lạ mà chi ra số tiền lớn như vậy”, chị Hà bức xúc.
Chia sẻ với PV, một trong những nạn nhân của trung tâm này - bà T. - cho hay, rất may bà kịp tỉnh ngộ nên mới chỉ mất tiền oan vào đống cao dán, dầu xoa bóp vớ vẩn. “Một điều đặc biệt tại đây là trung tâm này chỉ tiếp những người cao tuổi chứ không tiếp người trẻ. Tôi thấy khi người trẻ đến trung tâm và sử dụng dịch vụ tại đây thì thái độ của nhân viên không mấy chào đón”, bà T. nói.
Cũng theo bà T., với những ông, bà nào đến trung tâm sử dụng dịch vụ mà không mua gì, các nhân viên thường sẽ thờ ơ hoặc không quan tâm để các ông bà chán mà bỏ về. “Có những người không bỏ tiền mua sản phẩm nào mà vẫn muốn được sử dụng dịch vụ thì thường sẽ bị các nhân viên tại đó nói khéo để đuổi về”, bà T. kể.
Theo tìm hiểu của PV, thì không chỉ 1- 2 ông, bà mà rất nhiều người cao tuổi đã chỉ vì ham nhân sâm, hồng sâm giá rẻ (thực tế không hề rẻ nếu so với giá thị trường – PV) nên đã mất tiền oan với cùng một phương thức tại trung tâm này.
Có người mất vài triệu, nhưng cũng có những trường hợp đã mất đến vài chục triệu đồng như bà Đ. kể trên. Đó là chưa kể, sản phẩm mua về không được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ nên cũng không ai đảm bảo về chất lượng.
Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có người già, đặt ra vấn đề cấp thiết phải xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trước đó, phóng sự Vị đắng sâm Hàn trên VTV cũng phản ánh tình trạng một công ty - tự nhận là phân phối sâm Hàn Quốc - về những vùng quê ngoại thành xa xôi và tiếp thị, bán những sản phẩm tại đây với giá không đúng giá trị thực. Đối tượng mà công ty này tiếp cận là những người cao tuổi nhẹ dạ cả tin, thích có quà khuyến mãi và ít điều kiện tiếp cận những thông tin chính thống. |
Lê Trà
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 171