Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hai nghi thức lễ trong tháng 7 âm lịch nhiều người lầm tưởng là một, chuyên gia giải đáp sự khác biệt

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Theo chuyên gia, lễ cúng Cô Hồn và lễ Vu Lan là hai ngày lễ khác nhau. Tuy nhiên vì diễn ra trong cùng một thời điểm là trong tháng Bảy nên không ít người lầm tưởng cho rằng hai ngày lễ là một.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), lễ cúng Cô Hồn và lễ Vu Lan là hai nghi lễ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, do được tổ chức chung một thời điểm khiến cho nhiều người nhầm lẫn.

PGS Đức cho hay, đối với lễ cúng Cô Hồn còn có tên gọi khác là lễ “Xá tội vong nhân”. Tên gọi tháng cô hồn được bắt nguồn từ Đạo Giáo của người Trung Quốc.

Theo đó, bắt đầu từ đêm mùng 1, thời điểm bước sang mùng 2/7 âm lịch đến đêm ngày Rằm tháng 7 hàng năm, Quỷ Môn Quan sẽ được mở để cho các vong hồn trở lại trần thế.

PGS.TS Lê Quý Đức

Để quỷ đói không quấy phá đời sống của mình cũng như những người thân trong nhà, người dân thường sắm sửa lễ cúng lễ xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng 7 để cầu siêu cho các vong hồn không về cõi âm kịp, cầu siêu cho các vong hồn không nơi nương tựa, trẻ sinh trẻ lạc. Đồng thời, đây cũng là cách cầu khấn cho bản thân và gia đình không bị ma quỷ quấy phá.

Theo tục lệ dân gian, cúng Cô Hồn có thể hiểu rộng là xá tội vong nhân, hay cúng thí cho cô hồn, những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa. Một nghi thức nhân văn, bên cạnh việc thắp hương cho tổ tiên. Các gia đình còn cầu nguyện cho những vong linh ẩn dật cô độc được đầu thai thay vì vất vưởng không chốn dung thân ở nhân gian ngày này qua ngày khác.

Đối với lễ Vu Lan, rằm tháng 7 được xem là dịp lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Mục Liên vốn là một tu sĩ khác đạo, đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật và được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.

Ảnh minh hoạ

Sau khi đã đắc đạo, Mục Kiền Liên nhớ về mẫu thân, đã dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục do trước đây từng gây nhiều nghiệp ác. Phật cho ông biết, để cứu được mẹ sẽ cần nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới được. Nghe theo lời Phật chỉ bảo, ông đã cứu được mẹ mình cùng các vong hồn khác. Từ tích này mà ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng Bảy âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do.

Cũng chính từ đây, lễ Vu Lan ra đời, là dịp lễ để đại chúng cầu siêu cho cha mẹ đã mất hoặc thể hiện lòng tôn kính tới bậc sinh thành, biết ơn công dưỡng dục của cha mẹ. Về sau theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ sẽ cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành, biết ơn công dưỡng dục của cha mẹ.

“Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng hai nghi lễ này là một, chỉ khác nhau về tên gọi. Bởi tuy được cử hành trong cùng 1 ngày nhưng lễ Vu Lan và lễ Cô Hồn là hai nghi lễ hoàn toàn khác nhau và không thể gộp làm một”, chuyên gia văn hoá Lê Quý Đức cho biết.

Khác nhau giữa lễ Vu Lan và lễ cúng Cô Hồn

So sánh sự khác biệt giữa hai nghi lễ trên, chuyên gia nghiên cứu văn hoá Minh Anh cho biết, trước tiên là về nguồn gốc, lễ cúng Cô Hồn bắt nguồn từ Đạo giáo còn lễ Vu Lan là từ Phật giáo.

Chuyên gia nghiên cứu văn hoá Minh Anh

Thứ hai, về Nhân - Duyên, một bên là lòng thương xót của chúng sinh nơi khổ đau trầm luân địa ngục đói khát mà Đại đạo đã ban ân tình. Cụ thể là Địa Quan xá tội cho chúng vong linh, Thái Ất cứu khổ từ bi giải thoát chúng sinh về nơi Thanh Hoa Trường Lạc Giới. Nhờ đó mà chúng sinh nơi địa ngục được siêu thăng, đó là lòng từ của Đại đạo. Còn một bên là do việc ông Mục Kiền Liên thấy mẹ mình đau khổ nơi địa ngục mà nhờ Phật cứu, nhưng Phật thì không thể giúp ông nên bày cách nhờ thần lực của 10 phương tăng mới cứu được 1 vong linh là bà Thanh Đề.

Tóm lại, Lễ Vu Lan với ý nghĩa là cầu siêu cho tổ tiên, ông bà và cha mẹ bảy đời. Lễ cúng Cô hồn là để bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Một Lễ là báo hiếu, một Lễ là làm phúc.

"Điểm chung của hai nghi lễ này đó là đều mang tính chất cứu vớt vong hồn thể hiện lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam nói riêng và các nước đồng văn hóa nói chung, chứa đựng ý nghĩa để cao việc làm phúc và báo hiếu – một ý nghĩa nhân văn cao cả”, vị chuyên gia nói.

Mộc Trà

Tin nổi bật