Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hải Dương: Tín dụng đen bủa vây dân nghèo

(DS&PL) -

Hiện nay, một thực tế nhức nhối là tình trạng hoạt động của các băng nhóm tín dụng đen diễn biến phức tạp và đang vươn dài. Các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi, “len lỏi” về các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là các vùng nông thôn - nơi người dân hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin.

Hoạt động tín dụng đen mang tính tổ chức

Theo cơ quan chức năng, thực tiễn quá trình đấu tranh với tội phạm tín dụng đen cho thấy, trước khi len lỏi về các vùng quê, những đối tượng hoạt động tín dụng đen thường tìm hiểu kỹ về địa bàn sẽ mở rộng. Chúng thường nhắm đến những địa phương khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và đặc biệt là nhiều thành phần dân tộc sinh sống.

Mạnh Hải (SN 1986, trú tại xã Quang Thành, Kinh Môn, Hải Dương) là đối tượng có tiền án tiền sự. Sau khi ra tù, Hải theo một số đàn anh ở Bắc Ninh hoạt động đòi nợ thuê. Sau một thời gian, có chút vốn liếng, Hải về quê nhà Hải Dương làm ăn. Tại đây, Hải rủ các đối tượng đàn em vô công rỗi nghề đi theo hắn để thực hiện hoạt động bảo kê các quán karaoke trên địa bàn và cho người dân vay tiền thu lãi suất “cắt cổ”. 

Ban đầu, Hải nắm bắt người dân địa phương quanh năm mưu sinh bằng nghề nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, họ thường có nhu cầu vay vốn để mua phân bón, cây giống và các loại máy móc thiết bị nông nghiệp… Hải đã cho đàn em phát các loại tờ rơi, quảng cáo cho hoạt động vay tiền, tìm hiểu và liên hệ với những người đang có nhu cầu vay “nóng” để lấy lãi suất 8-10%/tháng. 

Tuy nhiên, một thời gian sau, vì muốn mở rộng hoạt động, kiếm nhiều tiền nên Hải đã giở thủ đoạn. Hắn cho đàn em vào nhà người dân lấy trộm máy móc thiết bị như máy tưới nước, máy cày bừa... Nhiều gia đình mất công cụ nông nghiệp như mất cả gia tài, không còn cách nào khác là phải vay tiền của Hải để mua lại các thiết bị. Lợi dụng tình hình đó, Hải lại tiếp tục cho vay lãi suất 10-15%.

Cụ thể là trường hợp của gia đình ông P.H.K. (hội viên hội nông dân xã Quang Thành, Kinh Môn, Hải Dương). Ông K. kể: “Đúng thời điểm tưới hành tỏi, hàng loạt hộ gia đình trong thôn bị mất trộm máy tưới, giá trị khoảng 3-5 triệu đồng/máy. Do chúng tôi đã dồn tiền vào mua cây giống và phân bón đầu tư cho vụ mùa nên hầu như không còn kinh phí. Ngay thời gian đó, có mấy cậu thanh niên đến tận nhà bảo sẽ cho vay tiền mà không cần phải thế chấp gì, chỉ việc ký vào tờ giấy vay nợ, bao giờ đến đợt thu hoạch, bán được rau củ chúng tôi trả nợ cũng được.

Nhưng rồi đến hạn trả tiền, không hiểu họ tính lãi kiểu gì mà số tiền nợ của chúng tôi tăng gấp 4-5 lần so với gốc, mà chỉ chưa đầy 3 tháng. Bán được giá không sao, còn rủi ro mà mất mùa, thất thu thì có người phải bán cả ruộng đất đi để trả nợ cho những thanh niên kia. Nếu không chúng sẽ không để yên, rêu rao khắp xóm làng, chửi bới gia đình con cái, gây sức ép, phá hoại tài sản hoa màu…”.

Đủ chiêu trò giăng bẫy người dân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát hoạt động tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Ngoài sự hạn chế trong việc tiếp cận thông tin tuyên truyền pháp luật về tội phạm tín dụng đen, một nguyên nhân nữa là không ít người dân có nhu cầu vay tiền nhưng ngại đến ngân hàng, công ty tài chính hợp pháp để thực hiện thủ tục vay tiền nên nhanh chóng “sập bẫy” tín dụng đen khi đọc được những lời mời gọi “đường mật” như vay tiền thủ tục nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp… trên những tờ rơi, danh thiếp.

Theo đó những lời quảng cáo “đường mật” mà các đối tượng đưa ra là ai có nhu cầu vay tiền, chỉ cần mang bản sao giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc một số loại giấy tờ khác như đăng ký kết hôn, giấy khai sinh… đến gặp “nhân viên” để làm thủ tục vay tiền. Tuy nhiên, người vay phải dẫn những “nhân viên” này đến “thăm” nhà, đồng thời cho số điện thoại những người thân. Sau khi đáp ứng các yêu cầu trên, người vay sẽ được vay số tiền lên đến hàng chục triệu đồng theo hình thức trả tiền góp từng ngày, tháng với lãi suất “trên trời”.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường in tờ rơi cho vay tiền với lời mời gọi hấp dẫn như “Cho vay trả góp không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải quyết trong vòng 5 phút”, “Hỗ trợ tài chính, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu”… Một số đối tượng còn gõ cửa từng nhà dân phát danh thiếp tiếp thị, thậm chí chi hoa hồng cho những ai giới thiệu người khác vay tiền. Cứ như vậy, hoạt động tín dụng đen dần trở thành mạng lưới với nhiều “chân rết”, len lỏi vào từng xóm làng vùng nông thôn.

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Sau hơn 2 năm thực hiện chỉ thị, lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện và xử phạt hàng nghìn đối tượng hoạt động tín dụng đen và triệt xoá nhiều đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn. 

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, ngoài các biện pháp nghiệp vụ, thời gian qua các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa hoạt động tín dụng đen trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Những biện pháp đó phần nào giúp người dân nâng cao nhận thức và tiếp cận được những nguồn cho vay hợp pháp như ngân hàng, công ty tài chính…

Trần Hùng

Tin nổi bật