Ngày 31/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD với sự ủng hộ đa số từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, tránh nguy cơ xảy ra vỡ nợ. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát tiến hành bỏ phiếu với tỷ lệ 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống.
Dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện Mỹ xem xét, trước khi gửi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký thành luật. Theo Reuters, dự luật phải được gửi tới Tổng thống Biden trước ngày 5/6, thời hạn mà chính phủ liên bang dự kiến sẽ hết tiền để thanh toán các hóa đơn.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters
“Thỏa thuận này là tin tốt đối với người dân cũng như nền kinh tế Mỹ. Tôi kêu gọi Thượng viện thông qua càng nhanh càng tốt để tôi có thể ký thành luật”, ông Biden cho biết sau cuộc bỏ phiếu.
Với việc đình chỉ trần nợ công đến hết ngày 1/1/2025, Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ có thể đặt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2024.
Bên cạnh đó, dự luật đình chỉ trần nợ sẽ giới hạn một số chi tiêu ngân sách trong 2 năm tới, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ COVID-19 chưa sử dụng, cũng như mở rộng các yêu cầu công việc đối với một số người nhận trợ cấp thực phẩm.
Cuối ngày 30/5, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, dự luật này sẽ giúp tiết kiệm 1,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm. Con số này ở dưới mức tiết kiệm 4,8 nghìn tỷ USD mà đảng Cộng hòa đặt ra trong một dự luật mà họ đã thông qua Hạ viện hồi tháng 4/2023, cũng dưới mức thâm hụt 3 nghìn tỷ USD mà ngân sách đề xuất của ông Biden sẽ giảm trong thời gian đó nhờ các khoản thuế mới.
Cuộc tranh luận và bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ có khả năng kéo dài đến cuối tuần, nhất là khi bất cứ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố gắng trì hoãn việc thông qua dự luật.
Đinh Kim (Theo Reuters)