Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội: Ý kiến trái chiều quanh việc cấm xe máy vào nội đô

(DS&PL) -

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND TP. Hà Nội đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND TP. Hà Nội đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Có ý kiến trái chiều về vấn đề này, tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào nội đô là cần thiết, hợp xu hướng thế giới.

Cấm xe máy càng sớm càng tốt?

Mới đây, tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Giám đốc sở GTVT và TN&MT Hà Nội đều cho rằng, thành phố (TP) cấm được xe máy càng sớm càng tốt. Theo đó, có 2 đề án, thứ nhất xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Thứ hai là xây dựng đề án thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm dễ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tắc đường khiến người dân mất nhiều thời gian, sức khỏe cho việc đi lại.

GS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông - ĐH Bách Khoa TP.HCM) thẳng thắn nói "cần phải loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông của thành phố". Ông Mai cho biết ở cả Hà Nội và TP.HCM đều là những thành phố có lượng xe máy cao nhất thế giới. TP.HCM trung bình có 910 xe máy/1.000 dân ở Hà Nội là 653. Trong khi đó ở Bangkok (Thái Lan) chỉ là 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160.

Ông cho rằng, “xe máy là kẻ chiếm đất”. Ông Mai đưa ra tính toán khi lưu thông, một người đi bộ chiếm 0,75m2 /người; người đi xe đạp chiếm 6,7m2 /người trong khi người đi xe máy chiếm đến 12m2/người. “Xe máy gây ra kẹt xe theo kiểu “cuộn chỉ rối", dù CSGT có xuất hiện cũng gặp khó khăn bế tắc khi điều tiết, gỡ rối. Trong khi ô tô thì kẹt thành dòng, CSGT có thể xử lý được” - ông Mai nói thêm.

Theo ông Mai, xe máy cũng chính là thủ phạm gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Số liệu thống kê cho thấy hàng năm tại TP.HCM tai nạn giao thông làm chết 700 - 800 người và hàng ngàn người bị thương. Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu tại nội đô (65%) và chủ yếu do xe máy (71%).
Từ những lập luận trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng, thành phố cần phải có giải pháp đột phá. Giải pháp đó chính là hạn chế dần xe máy và tiến tới cấm hoàn toàn.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng: “Trước hết, giảm phương tiện cá nhân là chủ trương đúng, nhưng chỉ giảm xe máy thì chưa đủ. Để thực hiện được việc này không dễ. Nói bỏ xe máy thì hiện nay, phải nhìn tổng thể thời cơ để hạn chế xe máy chúng ta đã bỏ lỡ rồi, bây giờ Hà Nội và TP.HCM muốn hạn chế xe máy nhưng rõ ràng có thể nhìn thấy xã hội đang phát triển, kinh tế đang lên nhu cầu đi lại sẽ nhiều hơn. Vậy, một câu hỏi đặt ra là muốn thay xe máy thì phải có phương tiện gì cho người dân đi lại. Chừng nào chưa giải quyết được bài toán về phương tiện đi lại cho dân thuận tiện thì tất cả các biện pháp nêu trên đều không thực hiện được”.

Từ những phân tích này, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ: “Muốn tổ chức thực hiện được đề xuất cấm xe máy thì phải nghiên cứu kỹ, không chỉ liên quan đến giao thông mà còn cả vấn đề quy hoạch. Nếu không, sẽ lại đi theo vết xe là chủ trương, chính sách liên quan đến xe máy, giảm phương tiện cá nhân nói đi nói lại vài chục năm nay nhưng chưa ghi nhận được nhiều thành công”.

Phải giải bài toán về giao thông công cộng

Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho rằng: “Theo tôi, giai đoạn từ nay đến 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phấn đấu bình quân từ 6,5 – 6,6%/năm. Hà Nội hoặc TP.HCM có thể cao hơn con số trên. Với sự tăng trưởng kinh tế như thế thì ngân sách để đầu tư lại cơ sở hạ tầng, rồi thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng từ các nguồn lực khác để đồng bộ cơ sở hạ tầng... tôi cho sẽ rất khó.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng.

Hà Nội, TP.HCM và cả các thành phố lớn của chúng ta đang có những bất cập giữa việc quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông với tỉ lệ đất để dành cho các công trình giao thông công cộng rất hạn chế. Chính vì thế, muốn phát triển được giao thông công cộng để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì phải giải quyết được các mâu thuẫn trên. Nhưng với tình hình như hiện nay thì đến năm 2030, Hà Nội sẽ chưa thể giải quyết được vấn đề đấy”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói thêm: “Về mặt lâu dài, các thành phố lớn cũng cần cấm các phương tiện giao thông cá nhân. Các nước tiên tiến trên thế giới họ cũng cấm. Thế nhưng, phải giải quyết đồng bộ cơ sở hạ tầng. Vấn đề cốt lõi là có giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân?
Ví dụ như Hà Nội hiện nay, vùng lõi trung tâm càng ngày càng có nhiều cao ốc, chung cư tập trung mật độ dân cư rất cao. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 thì mật độ dân cư phải 25m2 /đầu người. Thế nhưng ở nhiều khu đô thị hiện nay chỉ đạt mật độ 6-7m2 /đầu người. Rõ ràng mật độ dân cư cao như thế, nhu cầu đi lại lớn như thế, mà các khu này, người dân chủ yếu đi lại bằng phương tiện cá nhân. Thứ hai, vấn đề đặt ra là, không chỉ hạn chế xe mô tô, mà phải hạn chế xe cá nhân, tức là cả ô tô nữa. Phải làm đồng bộ, chứ nếu chỉ cấm xe máy thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng”.

Vị Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: “Theo tôi, trước mắt, các thành phố lớn như Hà Nội chưa thể cấm ngay xe máy mà chỉ hạn chế, trong đó có thể sử dụng các biện pháp kinh tế để hạn chế. Chứ cấm thì cũng không khả thi trong mục tiêu đề ra. Một trong những lý do không khả thi là hiện nay, các dự án giao thông công cộng của Hà Nội vẫn chưa phát huy được tác dụng, chưa đi vào thực tế. Ví dụ như dự án đường sắt Cát Linh thì đội vốn, kéo dài thời gian thi công... Hay như dự án buýt nhanh BRT rất ít người đi.

Hơn nữa, đặc điểm của Hà Nội và TP.HCM, việc quy hoạch nhiều khi không đồng bộ, rõ ràng. Vì vậy mà khu dân cư xen kẽ với khu hành chính, rồi chợ truyền thống, siêu thị xen kẽ trong phố... dẫn tới việc người dân phải gắn bó với xe máy. Tôi cho rằng, cấm xe máy là cần thiết, nhưng Hà Nội cần nhanh chóng giải quyết nhu cầu đi lại của người dân bằng việc giải bài toán về đồng bộ trong quy hoạch. Như vậy, thói quen đi lại của người dân sẽ thay đổi. Không phụ thuộc vào phương tiện cá nhân thay vào đó là đi bộ từ nhà tới khu vực có phương tiện công cộng”.

Hà Nội tính thí điểm cấm xe máy đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi

Liên quan đến đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, Giám đốc sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Viện cho biết 1 trong 2 tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi có thể được chọn để thí điểm hạn chế xe máy. Ở hai tuyến này, người dân có thể sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và hệ thống xe buýt, trong đó có buýt nhanh BRT 01.

Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết việc cấm xe máy trong nội thành sẽ tiến hành theo lộ trình. Trước thời điểm cấm hẳn 2-3 năm, thành phố có thể dừng cấp đăng ký xe máy mới. Ngoài việc cấm xe máy hoạt động trong nội thành, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu việc hạn chế gia tăng ô tô cá nhân bằng một số biện pháp như tăng phí dịch vụ đỗ xe tại khu trung tâm.

Nguyễn Hường - Hoàng Bích

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 42

Tin nổi bật