Cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đường phố Hà Nội bày bán ngập tràn đào, quất phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Những năm trước, đây là thời điểm thị trường hoa, cây cảnh nhộn nhịp nhất, nhưng năm nay không khí mua sắm có phần ảm đạm hơn.
Ghi nhận của PV trong sáng 28/1 (27 tháng Chạp Âm Lịch) tại chợ hoa đối diện SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), nhiều tiểu thương đã treo biển giảm giá đào xuống 250.000 - 800.000 đồng/cành. Ngồi cạnh tấm biển “xả hàng 590k”, anh Nguyễn Quốc Toản (chủ nhà vườn Quốc Toản) cho biết năm nay tình hình kinh doanh ảm đạm, bán được ít nên phải treo biển hạ giá.
"Mọi năm hàng bán trôi, mỗi ngày tôi có thể bán 100 cành đào các loại, tuy nhiên năm nay sức mua kém hẳn đi, chỉ được khoảng 30 cành/ngày. Mặt hàng quất cảnh cũng tương tự, ít nguời mua nên mình phải điều chỉnh lại giá cả", anh Toản cho biết.
Cách đó không xa là một gian hàng khác với biển quảng cáo “Xả đào quất gấp”
Bảng đồng giá đào rừng 350 nghìn đồng/cành được đặt ở nơi dễ quan sát. Nhiều người đi qua khá bất ngờ khi đào lại "sale" sớm hơn mọi năm.
Anh Kiều Văn Hưng (tiểu thương kinh doanh đào rừng Tây Bắc) cho biết nếu so sánh với cùng thời điểm, lượng hàng bán năm nay giảm ít nhất 50%. “Tầm 27 Tết hàng năm tôi thường bán được khoảng 600 đến 700 cành, tuy nhiên năm nay mới được 300 cành”.
Các cành đào rừng Tây Bắc có mức giá dao động từ 100.000 đồng đến 3-4 triệu đồng. “Mưa gió cố bán nốt để gỡ gạc. Nếu không kịp thì có lẽ phải chấp nhận vứt bỏ toàn bộ, bởi tiền công vận chuyển khá đắt đỏ”, anh Hưng ngậm ngùi.
Hầu hết các tiểu thương đều mang tâm lý “bán xả hàng, chấp nhận lỗ chút ít để gỡ vốn”. Chị Nguyễn Thu Hiền (tiểu thương kinh doanh quất Tứ Liên) cho biết đã áp dụng đồng giá 199k/cây quất dạng nhỏ để thu hút người mua. “Các cây to hơn bình thường mình bán từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng, nhưng hôm nay cũng giảm còn 250.000 đồng đến 300.000 đồng”, chị Hiền chia sẻ.
Một nhà vườn treo biển đồng giá 990.000 đồng/chậu bưởi.
Trời mưa nặng hạt trong sáng 27 Tết khiến không khí mua sắm càng trở nên ảm đạm hơn. Sức mua chậm được nhiều tiểu thương lý giải do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Hà Nội nên người dân ngại tập trung đông, cũng như thu nhập giảm sút trong suốt cả một năm qua.
Hiếu Nguyễn