An ninh Thủ đô đưa tin, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho 8 bệnh nhân bị sốt xuất huyết biến chứng nặng.
Đặc biệt, có hai trường hợp bệnh nhân N.L và N.H. (ở Ba Đình, Hà Nội) là hai chị em ruột bị sốt xuất huyết biến chứng đi tiểu ra máu, tiểu cầu giảm sâu, người chị còn bị chảy máu chân răng... Người nhà bệnh nhân cho biết, cả ba mẹ con trong gia đình bệnh nhân này bị sốt xuất huyết, người mẹ nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, tăng vọt tới 132 trường hợp so với tuần trước đó, không có ca tử vong.
Thành phố cũng ghi nhận 7 ổ dịch mới trong tuần tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).
Chỉ trong vòng 1 tuần trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện 7 ổ dịch sốt xuất huyết mới. Ảnh minh họa
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch, hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá - Thạch Thất (126), Hữu Bằng - Thạch Thất (21), Nguyên Hanh - Văn Tự - Thường Tín (15), Xuân La - Phượng Dực - Phú Xuyên (7).
CDC Hà Nội dự báo, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Để kiểm soát dịch, thành phố sẽ tăng cường các các hoạt động phòng chống dịch tại các ổ dịch, các khu vực có bệnh nhân.
Diễn biến dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội ba năm gần đây. Ảnh: Dân Trí
Tập trung vào các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, rác thải, loại trừ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả cá vào các bể chứa nước. Tuyên truyền để người dân thực hiện diệt bọ gậy hàng tuần trong nhà và khu vực xung quanh nhà.
Báo Dân Trí dẫn lời TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết năm nay diễn biến dịch trong giai đoạn tháng 1, 2, 3 lại cao hơn năm 2022 nhưng đến tháng 6-7 lại giảm so với tổng thể năm ngoái.
Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng.
"Tại miền Bắc, mọi năm, Hà Nội sẽ là điểm nóng sốt xuất huyết", TS Dũng cho hay.
Chuyên gia này phân tích, muỗi Aedes, vector truyền bệnh, là muỗi "sang chảnh", muỗi "thành phố". Chúng không đẻ trứng ở ao tù nước đọng mà chỉ đẻ ở vùng nước sạch. Do đó, những vật dụng của người dân vô tình chứa nước sạch như: nước mưa, nước điều hòa, tủ lạnh… sẽ là ổ đẻ của muỗi.
Điều đáng nói có nhiều ca sốt xuất huyết đã biến chứng nặng thậm chí có gia đình 2-3 người cùng phải nhập viện do sốt xuất huyết. Ảnh minh họa
Do đó, mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Càng nội đô thì khả năng bị sốt xuất huyết càng cao do mật độ muỗi rất cao.
Ví dụ như vụ dịch năm trước, các ca bệnh ở Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Các huyện, xã ngoại thành bao giờ số ca sốt xuất huyết ghi nhận cũng thấp hơn.
Để phòng chống sốt xuất huyết, theo TS Dũng, ý thức của người dân đóng vai trò quyết định.
"Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi. Khi giảm mật độ muỗi, dịch sốt xuất huyết sẽ hạ nhiệt", TS Dũng cho hay.
Việc vệ sinh, sắp xếp đồ đạc "nguy cơ" không lực lượng nào có thể làm thay người dân. Do đó, nếu người dân không chung tay phòng chống thì chúng ta không bao giờ thành công, không bao giờ đẩy lui được dịch ở các tỉnh thành.
Thùy Dung (T/h)