Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội đặt mục tiêu có 100% xe buýt xanh vào năm 2035

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70 - 90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh và tăng lên 100% vào năm 2035.

3 kịch bản chuyển đổi

Tại buổi Tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” vào ngày 21/8, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố đã đặt mục tiêu đưa ra kế hoạch và lộ trình chuyển đổi xe buýt dùng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố phù hợp với lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định 876.

Cùng đó là đề xuất đồng bộ các giải pháp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi, đạt 100% xe buýt dùng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.

Để đạt mục tiêu này, cần xây dựng lộ trình, triển khai các giải pháp và điều kiện cần thiết; phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện của các ngành và đơn vị liên quan; cũng như đề xuất được các cơ chế, chính sách liên quan.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội

Theo ông Phương, Hà Nội hiện có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch (139 xe CNG và 142 xe buýt điện) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2.

Về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, hiện nay mới chỉ có 2 vị trí lắp đặt của Công ty Vinbus, phục vụ cho 10 tuyến. Mỗi trạm sạc lần lượt có 32 trụ và 39 trụ sạc, công suất từ 120 - 150kWh, đáp ứng nhu cầu sạc 100% pin của toàn bộ xe.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70 - 90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035 (sớm hơn so với mục tiêu năm 2050 của Quyết định 876).

Kế hoạch chuyển động dựa trên nguyên tắc lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt dùng điện và năng lượng xanh, đảm bảo phù hợp thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng xe điện, xe năng lượng xanh.

Với các xe buýt diesel đang hoạt động, thực hiện chuyển đổi theo nguyên tắc được phép kéo dài thời gian sử dụng đến hết hạn thầu. Nếu còn khấu hao nhưng hết hạn thầu, thời gian sử dụng tối đa đến thời điểm hết khấu hao.

Lộ trình chuyển đổi phương tiện buýt sang xe điện, năng lượng xanh dự kiến đi theo 3 kịch bản gồm: kịch bản 1: 100% xe buýt điện, số phương tiện sau chuyển đổi 2.433 xe. Kịch bản 2: 70% buýt điện, 30% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi 2.212 xe (1.592 xe điện và 620 xe LNG/CNG). Kịch bản 3: 50% buýt điện, 50% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi 2.076 xe (1.100 xe điện và 976 xe LNG/CNG).

Theo ông Phương, dựa trên tình hình thực tiễn, trước mắt thành phố đề xuất thực hiện theo kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2. Sau năm 2040 thực hiện kịch bản 1.

Hà Nội đặt mục tiêu có 100% xe buýt xanh vào năm 2035

Để thực hiện, cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước (chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hàng năm...) và từ doanh nghiệp (mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc/nạp khí...).

Thành phố cũng đề xuất một số giải pháp gồm quán triệt, tuyên truyền về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện; hoàn thiện định mức, đơn giá cho các loại xe buýt xanh; áp dụng định mức, đơn giá tạm thời để đặt hàng xe buýt xanh trong thời gian chờ ban hành chính thức; đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt dùng điện, năng lượng xanh...

Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhận định, thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp đối mặt với những thách thức lớn như cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư phương tiện, hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự... Các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các nguồn vốn có cơ chế cho vay và lãi vay hấp dẫn, an toàn với sự bảo trợ của Chính phủ, thành phố.

Các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các loại hình trạm sạc; bố trí mạng lưới điện đủ đáp ứng nhu cầu trạm sạc; hướng dẫn cụ thể về giá bán điện của trạm sạc và giá sạc điện; cũng như sớm ban hành tiêu chuẩn về ổ cắm dùng trong trạm sạc, nhằm đồng bộ hóa bộ tiêu chuẩn về dây, cáp sạc và thiết bị đo đếm điện năng.

Phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050

“Với sự quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Rất mong tiếp tục có sự ủng hộ của WB, ADB, JICA, GIZ, từ đó Việt Nam có thể tận dụng sự hỗ trợ này để phát triển hạ tầng giao thông xanh, thực hiện chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.

Tọa đàm cũng nêu ra nhiều hạn chế về nguồn tài chính, nhân lực, công nghệ, thể chế và kinh nghiệm. Bộ GTVT đã nắm bắt và đề nghị Viện chiến lược GTVT tổng hợp, Bộ KH-CN chủ trì để tiếp tục triển khai những buổi chuyên đề và có những nghiên cứu báo cáo lên cấp cao hơn", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn nhiều khó khăn trong phát triển trạm sạc

Cũng trong khuôn khổ buổi Toạ đàm, chia sẻ về tiềm năng tăng trưởng ngành ô tô và xe điện ở Việt Nam, ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông đường bộ cao, thống kê trong giai đoạn 2005 - 2022, tốc độ tăng trưởng 13,3%/năm đối với ô tô (đạt 5 triệu ô tô), 17,2% đối với ô tô con cá nhân (đạt 3 triệu xe) và 9,3%/năm đối với mô tô, xe gắn máy (với 72 triệu xe máy đã đăng ký).

Trong khi đó, phát thải khí nhà kính do hoạt động GTVT ngày càng gia tăng, nếu như năm 2014 là 30,5 triệu tấn CO2 thì năm 2020 là 47,0 triệu tấn (gấp 1,5 lần năm 2014), dự báo theo kịch bản phát triển thông thường BAU năm 2025 phát thải đến 64,3 triệu tấn CO2 và năm 2030 là 88,1 triệu tấn CO2 (gấp 1,8 lần năm 2020).

Hiện Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, theo đó, đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng ô tô điện đạt 30%, xe máy điện đạt 22% và xe buýt điện đạt 30%.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge

Ông Hưng cũng dự báo đến năm 2028, số lượng xe điện tại Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe và năm 2040 là 3,5 triệu xe. Để đáp ứng sẽ cần kế hoạch đầu tư phát triển trạm sạc, dự kiến năm 2024 là 100 trạm, 2025 tăng lên 500 trạm, 2027 là 1.000 trạm, năm 2030 là 2.000 trạm và mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ khắp toàn quốc.

Hệ thống các trạm sạc này sẽ bao gồm: Mạng lưới trạm sạc xe buýt, vận tải; Mạng lưới trạm sạc doanh nghiệp; Mạng lưới trạm sạch công cộng; Mạng lưới trạm sạc trong khu chung cư, khu đô thị; Mạng lưới trạm sạc logistics.

Để đầu tư hạ tầng trạm sạc, ông Hưng cho biết, iCharge dự định triển khai hàng nghìn trạm sạc tại các đô thị lớn, khu vực dân cư đông đúc, trung tâm thương mại, và các trạm dừng chân trên những tuyến đường cao tốc chính. Mục tiêu là tạo ra một mạng lưới trạm sạc có thể phục vụ hầu hết các khu vực có mật độ giao thông cao và các địa điểm chiến lược.

Ngoài ra, sẽ tăng cường hợp tác đa phương với các hãng sản xuất xe điện, đơn vị phát triển bất động sản, đơn vị vận hành bãi đỗ xe, tập đoàn công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan quản lý hạ tầng các địa phương để đảm bảo việc lắp đặt và vận hành trạm sạc được triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ.

Mặt khác, tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạc điện hiện đại như sạc nhanh DC, sạc thông minh với khả năng kết nối IoT, và tích hợp hệ thống quản lý năng lượng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên điện.

Đồng thời, iCharge cho biết công ty cũng đã phát triển ứng dụng di động nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm, đặt chỗ, và quản lý quá trình sạc điện; mở rộng quy mô và khả năng phục vụ của từng trạm sạc để đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển trạm sạc do chi phí đầu tư ban đầu lớn, tỷ lệ sử dụng xe điện chưa cao, thách thức về hạ tầng điện lực và đặc biệt là khung pháp lý và quy định còn hạn chế.

Để thúc đẩy hạ tầng phục vụ chuyển đổi phương tiện di chuyển xanh thân thiện với môi trường, ông Hưng cho biết cần có chủ trương chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Có thể kể đến như ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng thông qua hỗ trợ tài chính; hỗ trợ vốn vay, quỹ đất, hoàn thiện pháp lý để phát triển hạ tầng trạm sạc điện và khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện như xe bus, taxi điện.

Tin nổi bật