Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội cấp phép 50 năm cho một bến xe “tạm”, có gì bất thường?

(DS&PL) -

UBND TP Hà Nội cấp phép xây dựng bến xe Yên Sở (bến xe tạm) trong thời hạn tới 50 năm, cách bến xe Nước Ngầm chỉ 1km.

Theo đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm của UBND TP Hà Nội, đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ chuyển các bến xe khách liên tỉnh hiện nay như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Gia Lâm ra ngoài phạm vi vành đai 4. Thế nhưng, Hà Nội lại quy hoạch cấp phép xây dựng bến xe mới (Bến xe Yên Sở) ngay cạnh đường vành đai 3, chỉ cách bến Nước Ngầm 1km. Điều này gây khiến dư luận băn khoăn khi tại đây đang tồn tại hai bến xe gần nhau, hàng ngày vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Khu vực đất được quyết định làm Bến xe Yên Sở, phía trước là nút giao vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân và lọt giữa các khu chung cư, đô thị mới. Ảnh: Phạm Thanh.

Nhồi thêm bến xe tại "điểm đen" ùn tắc

Nút giao đường vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội), những năm gần đây được xác định là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, khu vực này hiện có 2 bến xe khách lớn là bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, thu hút hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày. Lực lượng cảnh sát giao thông luôn có mặt tại nhiều chốt, trạm ở những khu vực quanh đây để phân luồng, điều tiết giao thông. Bộ GTVT và Hà Nội đã rất nhiều lần họp bàn giải pháp để khơi thông “điểm đen” ùn tắc này. Tuy nhiên, mới đây Hà Nội lại cấp phép thêm một bến xe ngay cạnh “điểm đen” này.

Cụ thể, ngày 28/5, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có báo cáo trình Thường trực Thành ủy Hà Nội về Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ có 2 bến xe lớn là: Ngọc Hồi và Yên Sở, thay thế 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. Theo đó, Bến xe Yên Sở (cạnh công viên Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) được xác định là điểm nhấn góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong giai đoạn trung hạn, hỗ trợ, giảm tải cho 3 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm và Gia Lâm. Điều đáng nói, bến xe này chỉ cách bến xe Nước Ngầm 1km.

Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tất cả các quy hoạch bến bãi đỗ xe, phân khu thì bến xe Yên Sở phù hợp với quy hoạch, kể cả quy hoạch giao thông và quy hoạch bến bãi đỗ xe… Việc triển khai bến xe này sẽ được thực hiện để đảm bảo được giải toả ách tắc giao thông khu vực vành đai và các bến xe lân cận như: Nước Ngầm, Giáp Bát và nằm trong kế hoạch trung hạn theo đúng Quyết định quy hoạch giao thông TP Hà Nội từ 2030 - 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519 ngày 31/3/2016.

Bến xe Yên Sở liệu có giải tỏa ùn tắc cho các phương tiện vào bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm... (Trong ảnh: Khu vực bến xe Nước Ngầm luôn trong tình trạng ùn tắc). Ảnh: Xuân Đoàn

Cũng theo ông Tuấn, sau khi bến xe Yên Sở xây dựng xong, một lượng lớn xe khách liên tỉnh sẽ được đưa ra vị trí phía sau cửa ngõ, giảm thiểu áp lực từ hướng nội thành lưu thông ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Thanh Trì, QL5… Và khi các bến xe ở phía ngoài được triển khai thực hiện thì sẽ lại chuyển tiếp các bến xe này ra ngoài theo đúng quy hoạch như bến xe phía Nam ở vành đai 4. Tuy nhiên, hiện tại bến xe ngoài vành đai 4 chưa đươc triển khai thực hiện do tuyến đường vành đai 4 chưa tổ chức xây dựng và thành phố đang kêu gọi xúc tiến đầu tư.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông lo ngại rằng nếu thêm bến xe này sẽ dẫn tới 3 bến xe quá gần nhau. Điều này không những không giải tỏa được ách tắc mà còn khiến cho “điểm đen” này thêm rối ren. Liệu đây có phải là một giải pháp đúng đắn?.

Mặt khác, hiện nay các bến xe tại khu vực này vẫn đang hoạt động, việc xuất hiện thêm bến xe trong khu vực có thực sự phù hợp? Một điểm khó hiểu khác là bến xe Yên Sở được xác định là bến xe “trung hạn" và “bến xe trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới”. Nhưng thực tế Hà Nội lại cấp phép cho bến xe "tạm" này hoạt động trong 50 năm.

Không hợp lý, thiếu nhất quán

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ quan điểm: “Tôi ủng hộ chủ trương di dời các bến xe ra vành đai 4. Tuy nhiên, do Bến xe Yên Sở này gần công viên Yên Sở, tôi lo ngại chỉ 1, 2 năm sau khi khu vực này phát triển, đô thị hóa lên thì bến xe này lại nằm trong khu dân cư. Hơn nữa đây là bến xe trung hạn nhưng lại được cấp phép hoạt động 50 năm là điều vô lý vì đến năm 2030 các bến xe phải di dời ra khỏi nội đô rồi”.

“Bến xe Yên Sở có diện tích nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu san sẻ với bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm. Trong khi các bến khác đang hoạt động lại cho chuyển đi, rõ ràng không hợp lý và thiếu nhất quán”, ông Liên nói thêm.

Còn theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn đồng bộ giao thông, áp lực rất lớn, cần có cách nhìn tổng thể... Điểm căn cơ nhất là thực hiện theo định hướng Thủ tướng phê duyệt. Không nên chú trọng giải pháp cục bộ, nhất là bến liên tỉnh, nó sẽ gây ách tắc cho khu vực đặt bến xe ở nội đô. Vậy nên, xây dựng bến mới thì không hợp lý, khi không muốn gây áp lực lớn cho khu vực nội đô.

Năm 2016, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP bến xe Thanh Trì được đầu tư xây dựng bến xe khách Yên Sở (bến xe Thanh Trì) tại quận Hoàng Mai. Dự án bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe có diện tích 30.000m2, công suất 800 - 1000 lượt xe mỗi ngày đêm. Giai đoạn đầu sẽ khai thác 400 lượt xe mỗi ngày đêm. Vốn đầu tư dự án là 118 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư chỉ 30 tỷ đồng (chiếm 25,4% tổng vốn), vốn đi vay và huy động khác là 88 tỷ đồng (chiếm tới 74,6% tổng vốn). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Theo thiết kế được duyệt, bến xe Yên Sở sẽ có 4 tầng (3 nổi, 1 ngầm). Trong đó, tầng ngầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Các khu vực: trả khách; đón khách; xe đỗ chờ; phòng chờ lên xe; bán vé;… sẽ được thiết lập riêng biệt như tại các sân bay.

Xuân Đoàn

Tin nổi bật