Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giữ lòng chung thủy chẳng dễ chút nào!

(DS&PL) -

Sự không chung thủy hay nói khác là ngoại tình đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều công trình khoa học trong hai thập kỷ gần đây.

Sự không chung thủy hay nói khác là ngoại tình đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều công trình khoa học trong hai thập kỷ gần đây. Về cơ bản, khi nói đến nguyên nhân của hiện tượng này, có hai cách lý giải được nhiều người thừa nhận.

Một là do những thiếu hụt trong hôn nhân. Cụ thể như tình yêu tàn lụi, các đối tác cảm thấy cô đơn. Hoặc người ta tìm thấy một người nào đó hấp dẫn hơn, đối xử với họ tốt hơn người phối ngẫu. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là do người ta không hài lòng trong quan hệ hôn nhân nên đã tìm kiếm tình yêu hay tình dục ở nơi khác. Cách giải thích thứ hai của những nhà nghiên cứu nổi tiếng như David Buss, Barash, Ridley thì cho đó là do bản năng tự nhiên. Xu hướng không chung thủy dường như đã được “lập trình” trong bản chất con người. Nếu không, tại sao việc chung thủy suốt đời với một người phối ngẫu lại khó khăn chẳng khác gì cưỡng lại một quy luật tự nhiên?


Có lẽ, câu hỏi tại sao người ta ngoại tình, với hai cách giải thích trên như hai mặt của một đồng xu, cho chúng ta bức tranh hoàn chỉnh hơn về sự phản bội trong hôn nhân.

Kiểm soát tình huống

Hành vi tính dục của con người vô cùng phức tạp. Rất ít người cố ý lên kế hoạch ngoại tình, nhất là khi nó xảy ra lần đầu tiên. Khi hứa hẹn sẽ chung thủy suốt đời lúc trao nhẫn cưới, hầu hết chúng ta đều thật sự nghiêm túc, không phải chỉ nói cho nhau yên lòng. Nhưng, quá trình thực hiện lời hứa đó không đơn giản. Nói đến các quyết định chung thủy hay phản bội, nhiều khi con người phải đấu tranh căng thẳng với sự kiểm soát những cảm xúc bản thân và không phải bao giờ cũng chiến thắng. Cảm xúc có thể chi phối hành vi, dẫn dắt chúng ta vào con đường không định trước.

Ba hệ thống cảm xúc riêng biệt có liên quan đến ngoại tình là: ham muốn tình dục, mơ tưởng tình yêu lãng mạn và thèm “của lạ”. Thường các hệ thống cảm xúc khác nhau này kéo con người theo các hướng khác nhau. Bộ phim ăn khách gần đây được chiếu ở Mỹ Unfaithful (Phản bội) đã góp phần miêu tả việc ngoại tình xảy ra như thế nào. Trong phim, nhân vật Diane Lane là một phụ nữ nội trợ hạnh phúc. Cô bắt đầu lừa dối chồng từ khi có cơ hội gặp gỡ với một người đàn ông hấp dẫn mỗi lần đi đón con ở trường. Cảm xúc và đặc biệt là ham muốn tình dục của Diane đã dẫn đến một quyết định mà thậm chí chính cô cũng không ngờ. Việc ngoại tình xảy ra, không phải vì nó được lên kế hoạch, mà vì người ta không làm chủ được mình trong những tình huống bị cảm xúc lấn át.

Có một anh cán bộ ở Hà Nội đi khảo sát những di tích văn hóa ở Tây Nguyên, được một nữ cán bộ của địa phương làm hướng dẫn viên suốt mấy ngày. Đến ngày thứ ba thì hai người thân nhau. Chị vô tình hỏi: “Buổi tối anh ở đây một mình có buồn không?”. Anh cười: “Chẳng quen ai nên cứ ngồi trong phòng cũng buồn”. Chị chợt nghĩ ra chuyện: “Nếu tối nay chồng em đi công tác chưa về thì em vào chơi nói chuyện với anh cho vui”. Tối hôm ấy, anh đợi mãi không thấy chị vào, nên lấy chai rượu uống vài chén cho khuây khỏa. Một lúc sau chị đến. Hai người ngồi nói chuyện khá lâu, không phải về chủ đề văn hóa Tây Nguyên mà về niềm vui, nỗi buồn của kiếp người. Rồi anh xem chỉ tay cho chị. Anh nói đúng quá, chị nhìn anh cảm phục. Từ lúc nào, những bàn tay xao xuyến không rời nhau. Cuối cùng chuyện gì phải đến đã đến… Có thể kể rất nhiều trường hợp tương tự. Phải chăng những tình huống đó có thể khơi nguồn cảm xúc của chúng ta, dẫn đến những hành vi ngoài dự định ban đầu. Cho nên, để giữ vững lòng chung thủy, bạn hãy cảnh giác với những tình huống thường gặp sau đây: Quá thân mật hoặc phụ thuộc vào một ai đó không phải là vợ hoặc chồng mình; Sử dụng quá nhiều thời gian hàng ngày với một người khác; Gần gũi một người quan tâm nhiều đến tình dục. Trong khi đó, bạn lại thiếu cảm giác thân mật với vợ hoặc chồng, cảm thấy cô đơn, buồn bã hay tức giận, nhất là khi có sự hỗ trợ của rượu bia.

Khi rơi vào những tình huống này, cảm xúc như thôi thúc con người hành động theo những cách trái với lý trí. Thật không may, đối với không ít người, rất khó để kiểm soát được cảm xúc khi rơi vào những tình huống như vậy. Các chuyên viên tâm lý cho rằng, khả năng tự kiềm chế bản thân trong những tình huống có thể xảy ra ngoại tình là không đáng tin cậy. Cho nên, cách tốt nhất để ngăn chặn ngoại tình là tránh xa những tình huống có nguy cơ cao. Nói cách khác, kiểm soát tình huống là cách tốt nhất để kiểm soát hành vi. Nhưng, không ít người lại quá tự tin là mình có thể làm chủ được cảm xúc và hành vi của mình, nên đã không nỗ lực ngăn chặn các tình huống nói trên. Thay vào đó, họ cho phép nó xảy ra vì tin họ luôn cư xử đúng mực. Tiếc thay, điều đó không hề dễ dàng. Nhìn chung, sự lừa dối, giống như nhiều hành vi sai trái khác của con người, là khó kiểm soát.

Ham muốn có tính bản năng

Lý do phổ biến của sự không chung thủy thường bắt nguồn trực tiếp từ ham muốn tình dục của con người. Cho dù chúng ta có ý thức về điều đó hay không, nó vẫn là một nhu cầu bản năng của con người. Để duy trì nòi giống, tạo hóa đã “cài đặt” niềm sung sướng tột độ mỗi khi giao phối. Nếu không, người ta đã chẳng ham muốn đến thế?

Nhưng điều ấy không có nghĩa đó là một xu hướng “bẩm sinh” mà còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Điều đó giải thích tại sao một số người hành động theo ham muốn bản năng trong khi những người khác vẫn chung thủy. Con người không thể cứ để mặc bản năng kéo mình đi, bất chấp những chuẩn mực đạo đức xã hội, tính thiêng liêng và tốt đẹp của lòng chung thủy, nghĩa vợ chồng. Thực tế đã chứng minh con người luôn đấu tranh giữa lòng chung thủy với bản năng và bao giờ những giá trị tốt đẹp cũng được gìn giữ, đề cao. Một mái gia đình êm ấm có sức hút mãnh liệt với mỗi người hơn những phút vui vầy, hoan lạc bên ngoài, bởi sau đó người ta luôn muốn quay về “chốn bình yên”.

Tin nổi bật