Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giáo dục trẻ em chính là gia đạo

(DS&PL) -

Người Đức có câu “Con cái có 10 khuyết điểm, ba mẹ phải chịu trách nhiệm cho 5 trong số đó”.

Người Đức có câu “Con cái có 10 khuyết điểm, ba mẹ phải chịu trách nhiệm cho 5 trong số đó”. Còn trong gia đình người Do Thái, những người nổi tiếng thế giới vì sự thông minh, nghị lực và giàu có, mỗi khi đứa trẻ thất bại trong bất cứ việc gì những người mẹ đều lập tức nghĩ lại chiến lược dạy con...

Nhưng một cách kỳ cục, ở chiều ngược lại hoàn toàn, đám đông và rất nhiều cha mẹ Việt lại hồn nhiên đổ lỗi cho ngành giáo dục khi con mình hư hỏng mà quên mất điều cốt lõi: Người thầy quan trọng nhất của giáo dục trẻ em chính là gia đạo.

Chỉ chưa đầy 1 tháng sau Tết Nguyên đán, dư luận đã không khỏi rùng mình trước liên tiếp những vụ bạo lực, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” như xã hội đen của những cô cậu học trò đang ngồi trên ghế nhà trường.

Trước vụ nam sinh lớp 11 dùng gậy đánh vỡ sọ não bạn cùng trường vừa bị Công an huyện Lang Chánh, Thanh Hoá khởi tố gây rúng động, dư luận đã không khỏi lạnh sống lưng khi xem đoạn clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nam sinh ở trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, Đắk Lắk bị các bạn học vây đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. Trong khi nam sinh bó gối chịu trận, khóc lóc, van xin, những người bạn thản nhiên quay clip, thản nhiên cười, vui trên nỗi đau của bạn.

Những hình ảnh thực quá đau lòng. Đau lòng và thảng thốt như khi xem clip cậu học trò văng tục, bước lên lấy điện thoại và tát vào mặt cô giáo được phát tán vài tuần trước đó. Tôi xem đi xem lại những clip bạo hành học đường manh động đến khó tin này và những phản ứng xung quanh sự việc để hóa giải những bất an trong lòng nhưng thực sự càng xem càng sốc. Sốc đến 2 lần. Lần 1 sốc vì sự manh động, dữ dằn và độc ác của học sinh. Lần 2 sốc trước ào ào đông đảo những ý kiến đổ lỗi cho ngành giáo dục như thể là vì nó mới nảy nòi ra kiểu học trò này, như thể những học sinh ngỗ ngược ấy là sản phẩm riêng biệt của thầy cô. Còn cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng những đứa trẻ mỗi ngày lại hóa... vô can.

Tình trạng bạo lực học đường đáng lo ngại. Ảnh minh họa từ Internet

Sự trưởng thành của một đứa trẻ hẳn nhiên là kết quả của sự phối hợp giáo dục từ cả nhà trường, xã hội và gia đình. Tuy nhiên, giáo dục trong gia đình giữ vai trò nền tảng trong việc hình thành nhân cách trẻ. Và không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà nghiên cứu và giáo dục khẳng định trẻ hư hỏng, lỗi trước hết thuộc về cha mẹ.

Gia đình là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi trẻ em. Từ khi sinh ra cho đến tuổi đi học, trẻ chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ. Mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách trẻ. Ngay cả khi đến trường, trẻ vẫn có nhiều thời gian sống và sinh hoạt gần gũi với những người trong gia đình nên ảnh hưởng của gia đình vẫn in đậm lên tính cách và nhân cách trẻ.

Hãy cứ nhìn vào một đứa trẻ là có thể thấy phong cách cha mẹ hay gia đình của chúng. Trẻ tự tin lớn lên từ những gia đình mà cha mẹ chúng luôn giáo dục con bằng sự tích cực. Trẻ lễ phép lớn lên cùng cha mẹ luôn biết kính trên nhường dưới. Trẻ biết điều là bởi cha mẹ chúng luôn bao dung với người xung quanh. Với những đứa trẻ tự lập, cha mẹ chúng chắc hẳn là người luôn có kế hoạch, nguyên tắc và biết định hướng cho con. Tương tự vậy, những đứa trẻ hạnh phúc, khéo léo, không đâu khác, là sản phẩm của một phong cách gia đình luôn biết nói lời ái ngữ, sống chan hòa, quan tâm, chia sẻ cùng nhau.

Và hẳn nhiên, một đứa trẻ hỗn láo, côn đồ, dùng nắm đấm... nhanh hơn não khó có thể khác: Lớn lên cùng cha mẹ hung hăng hoặc sống cùng những kẻ bạo lực, lấy sự uy hiếp làm lẽ sống.

Cha mẹ sống kiểu nào sẽ hình thành nên đứa con kiểu đó. Cái gọi là cha mẹ sinh con trời sinh tính đơn thuần chỉ là bởi cha mẹ đẻ con ra rồi phó mặc con cho nhà trường, xã hội mà thôi. Việc trẻ hư một mực đổ tại nhà trường thực sự không công bằng.

Dù còn nhiều bất cập nhưng bao năm qua, dưới sự giáo dục của nhà trường và trong xã hội ấy, bao thế hệ học sinh, sinh viên vẫn được đào tạo trưởng thành, làm nên danh phận, đóng góp lớn cho sự phát triển xã hội. Nhìn những lớp trẻ trưởng thành ấy, gia đình của những đứa con hư có lục vấn bản thân về những sai lầm trong việc làm gương cho con về cách sống hay dạy dỗ con của mình hay không?

Bố mẹ đã thành bạn của con khi ở nhà chưa hay chỉ ra lệnh, quát mắng, mày tao, rồi bàn chuyện làm ăn phi pháp, hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngay trước mặt con? Sở thích của con cái là thuận theo tự thân hay bị áp đặt, bị đầu độc bởi toan tính thực dụng của bố mẹ? Hành vi lời ăn, tiếng nói, tâm tư của con cái có được gia đình lắng nghe? Những yếm thế, thua thiệt, cô đơn của con có được bố mẹ nhận ra để kịp thời có những đồng hành chia sẻ hay để khi con hư rồi mới lại phó thác: “Tôi đâu thể theo nó thường xuyên, do nó chơi với bạn xấu nên mới như vậy!”?

Nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong không khí bạo lực gia đình thường dùng bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội, bạn bè thậm chí cả anh em, họ hàng. Một cuộc điều tra xã hội học ở Mỹ cho thấy 80% phạm nhân Mỹ lớn lên trong những gia đình bố mẹ chúng đánh lộn như cơm bữa. 63% nam thiếu niên phạm tội giết người là chúng giết kẻ đã đánh đập mẹ chúng. Học theo các khuôn mẫu từ cha mẹ hay người thân xung quanh vốn là một đặc điểm chung của trẻ em.

Với những người Do Thái, người nổi tiếng thế giới vì sự thông minh, nghị lực và giàu có, mỗi khi đứa trẻ thất bại trong bất cứ việc gì cha mẹ trẻ đều lập tức nghĩ lại chiến lược dạy con. Người Do Thái tin rằng việc làm cha mẹ cần phải học hỏi, trau dồi thường xuyên. Hệ thống giáo dục dành riêng cho cha mẹ, gia đình của dân tộc này rất được đề cao bởi với họ, thành công hay thất bại của con phần lớn nằm trong việc nuôi dạy con của cha mẹ. Một quan điểm rất đáng học hỏi và suy ngẫm.

Không ai vô can trước mọi sai trái của con cái, của một thế hệ. Nhưng gia đình giữ vai trò cốt yếu.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Vũ Hương
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Năm (45)

Tin nổi bật