Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giang hồ 4.0 “ngoi” lên bằng sự cổ xúy lệch lạc

(DS&PL) -

Giang hồ 4.0 vốn chỉ là “con số 0” nếu không có sự cổ xúy, tung hê của cộng đồng mạng.

Giang hồ 4.0 vốn chỉ là “con số 0” nếu không có sự cổ xúy, tung hê của cộng đồng mạng. Càng “nổi tiếng”, những kẻ được gọi là “người trong giang hồ” kia lại càng ảo tưởng về sức ảnh hưởng của mình và ngang tàng, bất chấp tạo nên những hành vi vô văn hóa, vi phạm pháp luật.

Có thể thấy, thời gian qua, rất nhiều hiện tượng mạng là dân xã hội nổi lên, chủ yếu qua sự “điểm mặt, gọi tên” của chính cư dân mạng. Những “gương mặt” bỗng nổi lên nhờ các công cụ như: Facebook, YouTube... qua các hình thức livestream, tự đóng clip, tự quay MV...

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, không ít người có tư duy gây dựng hình tượng và tiến thân vào showbiz bằng cách lợi dụng mạng xã hội. Những kẻ được gọi là “người trong giang hồ”, muốn tạo nên tên tuổi kia cũng không ngoại lệ.

Những “anh tài” của làng giang hồ 4.0 được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, phải kể đến Ngô Bá Khá (Khá Bảnh), Dương Minh Tuyền, Bùi Xuân Huấn (Huấn Hoa Hồng), Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ), hay Lê Văn Phú (Phú Lê)... Chỉ vài phát ngôn gây “bão”, vài livestream chửi bới tục tĩu, vài clip hay video với nội dung bạo lực, nhạy cảm... đáng lẽ sẽ trở thành những “cái gai” trên mạng xã hội, nhưng lại bỗng dưng “hút view” hơn nhiều sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ chân chính.

Kênh YouTube của Khá Bảnh được coi là điểm đáng chú ý nhất, hơn 2 triệu lượt theo dõi và hơn trăm triệu tổng lượt xem, có thể vượt mặt nhiều “sao hạng A” Việt Nam trên mặt trận YouTube hay lượt xem, thậm chí được nhận cả nút bạc!

Không chỉ xoay quanh những hình ảnh, nội dung bạo lực, một vài giang hồ mạng còn livestream rao giảng lối sống đạo đức... trong khi hành xử bên ngoài thì thô bạo, bất lương. Giang hồ bỗng trở thành “thần tượng” trên mạng xã hội của không ít người, đặc biệt là bộ phận giới trẻ.

Nhiều giang hồ trên mạng xã hội nổi lên nhờ sự cổ xúy lệch lạc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

Điều gì khiến những con người này trở nên nổi tiếng đến vậy?

Những người trẻ vốn khát khao tự do và thể hiện cá tính, và khi bắt gặp những hình ảnh như vậy trên mạng xã hội, họ bắt đầu nghiêng về đó, dành một sự ngưỡng mộ nhất định, bất chấp những lời lẽ, cử chỉ, hành vi kia vượt ra mọi khuôn phép, ngạo nghễ và có phần phớt lờ giới hạn của đạo đức, pháp luật.

Một bộ phận giới trẻ dần chấp nhận để lối sống của giang hồ mạng trở thành một phần văn hóa mạng, cao hơn là tung hô và tiếp tục truyền bá, chia sẻ như tìm được triết lý sống. Sự tiếp nhận giờ đây đã không còn là thụ động, nhiều người chủ động tìm tới những giang hồ mạng, chăm chỉ xem livestream, bắt chước mọi trào lưu mà dường như không có sự kháng cự nào.

Khi những giang hồ mạng bị lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố vì sử dụng chất kích thích, vì cố ý gây thương tích, vì gây rối trật tự công cộng... hay vì một tội danh nào khác, không ít bạn trẻ còn sụt sùi dõi theo như cách một người hâm mộ cuồng nhiệt đối với thần tượng.

Câu chuyện của những kẻ hung hăng, ngông cuồng và sống bất chấp thì dường như thời nào cũng có, nhưng để những kẻ đó dắt mũi, gieo rắc những ý tưởng và suy nghĩ lệch lạc, thì đó lại là lỗi của chính cư dân mạng.

Chính sự hoan nghênh, tán tụng khi tiếp cận với hành vi tiêu cực, vì sự tung hê những giá trị lệch chuẩn trên mạng xã hội... đã nuôi lớn những mầm mống độc hại.

Ở thời điểm hiện tại, nếu các hành vi vi phạm pháp luật của nhóm giang hồ mạng có thể được khống chế bằng pháp luật thì điều đáng lo lại chính là suy nghĩ của cộng đồng “người hâm mộ”.

Chúng ta đã từng có ranh giới rất lớn giữa giới giang hồ, nhóm người được cho như nằm ngoài vòng khuôn phép của xã hội và những người xứng đáng được tán dương, khen thưởng, ngưỡng mộ vì tài năng và đạo đức. Sự xuất hiện của các giang hồ mạng dường như đã xóa nhòa cái ranh giới ấy, lôi kéo nhiều người cổ xúy cho hành vi lệch chuẩn. “Tranh tối tranh sáng nhập nhoạng” kéo theo nhiều hệ lụy tới giáo dục lối sống.

Tôi giật mình khi một nhóm học sinh mẫu giáo cũng biết điệu múa quạt của Khá Bảnh, một học sinh tiểu học thuộc làu làu những câu nói của Huấn Hoa Hồng, một học sinh trung học lẩm nhẩm theo những giai điệu trong MV ca nhạc Đời là thế thôi của Phú Lê...

Rồi với những lứa tuổi lớn hơn, nếu cũng thần tượng giang hồ mạng, thì sự bắt chước sẽ còn bị ảnh hưởng đến mức độ nào?

Văn hóa thần tượng độc hại không chỉ tạo ra một cộng đồng có những quan điểm lệch chuẩn về thành công, đạo đức và danh vọng, mà còn dễ dàng tạo ra nhiều giang hồ 4.0 hơn trong tương lai.

Nếu một con sâu độc không tìm được thức ăn, nước uống hay không khí, thì chắc chắn sẽ chẳng thể duy trì sự sống được bao lâu.

Nếu những kẻ mượn mạng xã hội để gây dựng hình tượng với những hướng đi lệch chuẩn kia không được đón nhận, không nhận được bất kỳ sự tung hô, cổ xúy nào, thì cái danh giang hồ mạng cũng sẽ “chết yểu” mà thôi.

Mỗi cá nhân chính là “lá chắn” để ngăn chặn những nguy cơ nếu không muốn giang hồ 4.0 tiếp tục “ngoi” lên và dẫn dắt thái độ sống lệch lạc, vô văn hóa.

Tuệ Mẫn
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (130)

Tin nổi bật