Mấy ngày nay, chuyện một học sinh rớt cả 3 nguyện vọng vào trường THPT công lập bỗng dưng đậu vào trường TOP của TP.HCM khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bởi, nếu so điểm chính thức của thí sinh này với điểm trúng tuyển thì thiếu gần 8 điểm nhưng vẫn được Giám đốc Sở ký trúng tuyển bổ sung(?!)
Hiệu trưởng biết, nhưng... không muốn phản hồi
Theo nguồn tin của PV ĐS&PL, thí sinh đó là em N..T.Q.A. (học sinh lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình TP.HCM, năm học 2018- 2019). Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 do sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức, em Q.A. có kết quả như sau: Văn 6,5 (nhân hệ số 2), Toán 2,75 (nhân hệ số 2), Ngoại ngữ 5,25, điểm khuyến khích là 0,5. Em Q.A. có tổng điểm sau khi nhân hệ số là 24,25.
Theo bảng điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 mà Sở công bố ngày 4/7/2018 thì, Q.A. có 3 nguyện vọng vào các trường THPT Nguyễn Du (lấy 32 điểm), Diên Hồng (24,5 điểm) và Sương Nguyệt Anh (24,5 điểm). Nhìn vào điểm chuẩn, thí sinh Q.A. đều rớt cả ba nguyện vọng.
Đáng nói, trường THPT Nguyễn Du là trường theo mô hình hội nhập tiên tiến, có chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên cũng như chất lượng hàng đầu của thành phố. Hàng năm, các thí sinh từ lớp 9 lên lớp 10 phải đạt điểm số cao mới trúng tuyển.
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du - trả lời PV. |
Ngày 12/7/2018, sở GD&ĐT TP.HCM ký một bảng danh sách trúng tuyển bổ sung vào lớp 10, trong đó trường THPT Nguyễn Du chỉ có duy nhất tên thí sinh N.T.Q.A., cho dù em thiếu đến gần 8 điểm chuẩn so với quy định. Điều này là trái với quy chế tuyển sinh do Sở này ban hành.
Để có thông tin khách quan, PV liên hệ với ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du - để xác minh thêm. Đáng nói, ông Phú khẳng định với PV, câu chuyện của thí sinh Q.A. là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, để cho mọi chuyện được rõ ràng, cần chờ cơ quan chức năng xử lý, và ông này không có ý... bàn thêm.
Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ phải giải trình vụ việc với UBND TP.HCM. Ông Phú cho rằng, thời điểm nhận học sinh Q.A. vào học tại trường, ông có cho nhân viên xác minh lại từ sở GD&ĐT TP.HCM. Nhưng phía Sở cho rằng đã có chữ ký của Giám đốc Sở thì cứ nhận bình thường. Đến nay, sau 2 năm học, em Q.A. hiện đang là học sinh khối 11 của trường và có học lực khá.
Khẳng định với PV, ông Phú cho biết: “Hiện cứ để cơ quan chức năng có thẩm quyền làm việc, chúng tôi không muốn phản hồi về vụ việc này nhiều, vì nó liên quan đến học sinh của mình, rất tội cho em đó. Một số dư luận cho rằng, tôi là người cung cấp vụ việc, một số truy rằng vì sao lại để giờ này mới đưa tin ra dư luận. Nhưng tôi khẳng định, tôi không hề cung cấp thông tin này. Cơ quan báo chí có nguồn tin họ đến trường xác minh, tôi trả lời khách quan. Việc tiếp nhận học sinh trước đó, văn bản bổ sung thí sinh có chữ ký của lãnh đạo Sở là có tính pháp lý, tôi không hề tiếp nhận sai...”.
Làm mất đi sự công bằng
Chia sẻ với PV, một giáo viên bậc THPT có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại TP.HCM khẳng định, việc em Q.A. đậu vào trường THPT Nguyễn Du rõ ràng là có sự nâng đỡ, không công bằng với các thí sinh khác. Cơ quan chức năng cần phải sớm điều tra xác minh làm rõ những khuất tất sau đó.
Thứ nhất, năm 2018 em N.T.Q.A. thi tuyển sinh vào 10 rớt cả ba nguyện vọng nhưng vẫn đậu vào trường THPT Nguyễn Du từ danh sách trúng tuyển bổ sung do Giám đốc Sở ký. Mặc dù thiếu 7,75 điểm nhưng em A. vẫn "trúng tuyển" một cách ngoạn mục, rõ ràng có sự khuất tất về điểm số, cần được làm rõ từ hồ sơ lưu trữ điểm tuyển sinh.
Thứ hai, học sinh A. năm lớp 9 học trường THPT Nguyễn Gia Thiều, được ghi trong phiếu báo điểm là ở quận Bình Thạnh là không đúng, lẽ ra phải là quận Tân Bình. Như vậy, có khả năng ngoài em A. sẽ còn ít nhất một học sinh khác ở quận Bình Thạnh "bị" trúng tuyển.
Ngoài ra, trường THCS Nguyễn Gia Thiều là trường top đầu của quận Tân Bình, hàng năm tuyển sinh đầu vào với điểm số cao ngất. Tuy nhiên, sau quá trình học 4 năm, em A. thi lớp 9 lên lớp 10, môn Toán chỉ được 2,75 điểm. Vậy thì, dư luận có quyền nghi vấn, ngay từ năm lớp 6, em A. đã được gia đình "chạy" vào trường này cho nên cũng cần phải làm rõ.
Thứ ba, vì sao học sinh A. đã học gần 2 năm ở trường THPT Nguyễn Du thì mới có đơn tố cáo, mà không phải là những năm trước đó? Điều này chỉ có phụ huynh em A., bản thân em A., sở GD&ĐT TP.HCM và nhân viên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du biết. Như thế có thể thấy rằng, việc em A. vào học ở trường THPT Nguyễn Du đã gây bức xúc trong dư luận, vì đây là một cuộc thi tuyển nhằm loại học sinh không đạt yêu cầu vào trường công lập. Cùng với đó, việc làm của những người có trách nhiệm liên quan làm mất đi sự công bằng trong thi tuyển, bởi có những em chỉ thiếu 0,25 điểm phải vào học trường tư thục hoặc thậm chí bỏ học vì gia đình không có tiền đóng học phí.
Luât sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Nếu sự việc đúng như thế thì rõ ràng vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh. Trong thi tuyển, chỉ cần học sinh nhìn bài bạn từ lần thứ hai thì đã bị trừ 50% điểm số của môn đó. Trong khi em A. thiếu 7,75 điểm, gần bằng tổng điểm 2 môn thi của học sinh có học lực trung bình nhưng vẫn trúng tuyển thì không thể chấp nhận được.Vụ việc này như một "Sơn La 2" của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, vì thế cơ quan chức năng năng cần vào cuộc điều tra làm rõ động cơ, mục đích của những người sai phạm để có hướng xử lý đúng pháp luật và hơn thế nữa là đem lại công bằng cho học sinh trong thi tuyển, bất luận đó là con cháu ai...
“Bị” trúng tuyển vì là con lãnh đạo ngành giáo dục? Chia sẻ với PV, một nguồn tin cho biết, để tạo sự công bằng cho các thí sinh, nhất là trước kỳ thi tuyển sinh lớp 9 lên lớp 10 tại TP.HCM sắp diễn ra, các cơ quan ban ngành tại TP.HCM cần nhanh chóng làm rõ vụ việc này. Thí sinh Q.A. được nhiều phụ huynh cho biết là con của lãnh đạo tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM. |
NGUYỄN LÀNH
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (19)