Những năm qua, đã ghi dấu nhiều thành công lớn của Công an tỉnh Bắc Giang trên các lĩnh vực. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đã được đơn vị thực hiện quyết liệt, làm kiềm chế sự gia tăng của nhiều loại tội phạm; đã đánh "đúng", đánh "trúng" các băng nhóm tội phạm hình sự, các tụ điểm phức tạp về ma túy, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phức tạp an ninh trật tự ngay từ khi mới manh nha. Những kết quả này đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển của tỉnh Bắc Giang.
Cùng với đó, Công an tỉnh Bắc Giang là một trong những đơn vị quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây được coi là tội phạm nóng và phức tạp, được sự quan tâm lớn của dư luận, PV Đời sống & Pháp luật, đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang về nhóm tội phạm này.
Phóng viên: Được biết Công an tỉnh Bắc Giang là 1 trong những đơn vị quyết liệt trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm công nghệ cao. Xin ông thông tin những kết quả đơn vị đạt được trong công tác đấu tranh loại tội phạm này?
Đại tá Nguyễn Quốc Toản: Thời gian gần đây, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có diễn biến phức tạp. Tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 58 vụ liên quan tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trong đó có 42 vụ lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 94 tỷ đồng. Trong đó, tội phạm lừa đảo với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng (công an, ngân hàng, thuế...) chiếm đa số với 14 vụ, còn lại là thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ trên mạng 13 vụ, đầu tư tài chính 10 vụ và các hình thức lừa đảo khác 5 vụ.
Đối với Công an tỉnh Bắc Giang, 1 trong những kết quả quan trọng mà đơn vị đang tiếp tục thực hiện đó là đã nhận diện sớm, nhận diện đúng về nhóm tội phạm này. Bởi như chúng ta đã biết, tội phạm trên mạng, tội phạm công nghệ cao diễn biến rất nhanh và phức tạp nên việc chủ động nhận diện sớm đặc điểm, diễn biến của tội phạm này được Công an tỉnh Bắc Giang thực hiện đồng bộ, xuyên suốt từ Công an đến các địa phương. Rõ ràng, chỉ có nhận diện nhanh và chính xác thì công tác đấu tranh và phòng ngừa mới thực hiện hiệu quả được.
Cùng với đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức rất nhiều nội dung tuyên truyền phòng ngừa 1 cách sâu rộng với nhiều kênh nhiều hình thức cũng như hướng tới nhiều đối tượng tuyên truyền khác nhau. Ví dụ như nhóm đối tượng là cán bộ nhà nước, cán bộ đảng viên, trong nhân dân, trong trường học, các bác hưu trí, rồi qua nhiều kênh tuyên truyền đa dạng như là hội nghị với nhân dân, diễn đàn của hội đồng nhân dân, qua các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội…
Đồng thời, Công an tỉnh Bắc Giang đã cùng với các lực lượng khác tham mưu nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước, vạch ra những “kẽ hở” có thể nhóm tội phạm công nghệ cao “nhắm” đến và tấn công, ví dụ như các tài khoản ngân hàng, sim điện thoại, hình thức tiền ảo… từ đó thiết lập các biện pháp tăng cường, bảo vệ.
Phóng viên: Đánh giá của ông về nhóm tội phạm công nghệ cao, tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo ra sao?
Đại tá Nguyễn Quốc Toản: Thực tế, nhóm tội phạm công nghệ cao luôn luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, đây là một vấn đề mang tính quy luật. Có thể hiểu đơn giản, từng bước phát triển của xã hội đến đâu thì nhóm tội phạm sẽ đi theo đến đó. Điều quan trọng ở đây là cơ quan chức năng cần nhận diện và đánh giá sớm được nhóm tội phạm này, từ có mới có thể xây dựng công tác đấu tranh và phòng ngừa hiệu quả nhất.
Trong bối cảnh Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng điện thoại thông minh truy cập các nền tảng xã hội đang rất phổ biến thì đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho nhóm tội phạm công nghệ cao hoạt động và “biến thể” 1 cách phức tạp. Và rõ ràng khi chúng ta đối mặt với nhóm tội phạm này thì gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, bởi tính chất ẩn danh trong không gian mạng. Rồi khi trong thế ẩn danh, nhóm tội phạm sẽ lợi dụng vào 2 yếu tố chính. Thứ nhất là qua các cái tài khoản ngân hàng, thứ 2 là liên quan đến số điện thoại.
Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá đường dây giả nhân viên ngân hàng để lừa đảo trên không gian mạng.
Qua đấu tranh thực tiễn cho thấy, các đối tượng thường sử dụng các tài khoản không chính chủ hoặc sim rác. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng chuyển từ sim rác sang sim mạo danh. Vậy sự khác nhau giữa sim rác và sim mạo danh là gì? Có thể hiểu, sim rác là các đối tượng lấy thông tin không chính xác còn bây giờ chuyển sang sim mạo danh tức là thông tin cá nhân chính xác nhưng không phải cá nhân đó đang sử dụng.
Ví dụ, tôi dùng cái căn cước của người này đăng kí sim, nhưng chiếc sim này đã được bán cho đối tượng khác. Bản thân người mà có thông tin cá nhân trên sim đó không hề biết chiếc sim đang được hoạt động, và những thông tin cá nhân của mình đang bị lợi dụng. Về mặt nguyên tắc, chiếc sim đó hoàn toàn chính chủ nhưng trên thực tế khi kiểm tra lại là chiếc sim mạo danh. Và rất khó để truy đến cùng vấn đề này.
Nhóm tội phạm công nghệ cao hoạt động và “biến thể” 1 cách phức tạp
Phóng viên:Vậy theo Đại tá, khó khăn lớn trong quá trình đấu tranh với nhóm tội phạm này là gì?
Đại tá Nguyễn Quốc Toản: Một trong những khó khăn lớn trong công tác đấu tranh phòng chống nhóm tội phạm công nghệ cao chính là tâm lý của người bị hại. Qua các vụ án đấu tranh có thể thấy các nhóm đối tượng thường xuyên “đánh” vào 3 tâm lý chính của người dân.
Một là tâm lý “sợ”. Với tâm lý này, nhóm tội phạm lợi dụng giả danh các cơ quan tố tụng như Công an, Viện kiểm sát, Thuế…để đe dọa bị hại về các vấn đề vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý hay “dính” vụ án nào đó rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Thứ 2 là tâm lý “tham”. Với tâm lý này, nhóm tội phạm sẽ dụ dỗ các bị hại tham gia đầu tư tiền ảo lãi cao, “việc nhẹ lương cao” hay đầu tư có lãi suất lớn… Có 1 ví dụ rất hay và dễ hiểu về tâm lý này rằng: Khi bạn thả 1 chiếc điện thoại vào đầu tư bạn sẽ được trả lại 2 chiếc điện thoại, tiếp tục đầu tư 2 chiếc điện thoại bạn được 4 chiếc điện thoại. Thấy thu lời nhanh, dễ dàng, bạn tin tưởng ôm hết tất cả những chiếc điện thoại bạn đang có vào đầu tư thì giao dịch “đóng cửa”. Rõ ràng, nhóm tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo trên mạng đang khai thác rất kĩ và trúng tâm lý này.
Đặc biệt, đa số bị hại ở nhóm tâm lý này thường huy động thêm tiền của người thân, người nhà, bạn bè đầu tư vào bởi vì lãi suất quá lớn. Đến khi phát hiện mình đã bị lừa thì số tiền bị mất đã lên con số rất cao. Và rất khó để truy đến cùng số tiền đã mất bởi dòng tiền này đã “chảy” qua rất nhiều tài khoản, có nhiều tài khoản đến F mười mấy thậm chí là ra đến nước ngoài. Rồi khó khăn trong quá trình truy vết nữa khi hiện nay nhóm tội phạm chuyển sang đồng tiền USDT.
Cuối cùng là tâm lý “tình”. Hiện này, nhóm tội phạm lừa đảo trên mạng cũng “thao túng” rất tốt dạng tâm lý này các bị hại. Các đối tượng thường ẩn danh dưới hình ảnh cô gái, chàng trai rất đẹp. Từ việc làm quen trên mạng đến tâm sự, rồi thân thiết nảy sinh tình cảm. Khi có tình cảm với nhau, các đối tượng tiếp tục đánh vào tâm lý “tham” của bị hại. “Tình” và “tham” quện lẫn vào với nhau thì lúc này lý trí đã mất kiểm soát để nhận diện đúng sai, thực ảo hoặc những điểm nghi vấn bất thường rồi. Và khi đó những tình huống như nhận quà tặng từ “người tình” gửi từ nước ngoài về rồi mất sạch tiền hay toàn tiền bộ tiền tài khoản bị mất trăng khi cùng người yêu tham gia đầu tư lãi suất cao liên tiếp xuất hiện.
Có những bị hại từng được tuyên truyền rồi nắm rất chắc thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhưng vẫn bị lừa. Thậm chí, là có bị hại là người trực tiếp đi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận diện, đối phó với nhóm tội phạm nhưng cuối cùng lại là nạn nhân “sập bẫy”. Chính vì vậy, dù chỉ xoay quanh 3 cái tâm lý đó nhưng nhóm tội phạm luôn đa dạng trong cách tiếp cận, “thao túng tâm lý” người dân, nên việc đấu tranh vô cùng khó khăn và phức tạp.
Phóng viên: Theo ông, vì sao nhóm tội phạm này gia tăng với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi? Có vướng mắc nào trong quá trình xử lý, “diệt tận gốc” nhóm tội phạm này?
Đại tá Nguyễn Quốc Toản: Tội phạm công nghệ cao gia tăng khi nhu cầu giao dịch trên không gian mạng của người dân ngày cao. Xã hội phát triển, công nghệ số, kinh tế số được đẩy mạnh đồng nghĩa với việc môi trường mạng ngày càng có “sức hút”. Và đó là xu hướng tất yếu của xã hội và tất nhiên tội phạm công nghệ cao sẽ bám vào môi trường đó để hoạt động, khi nào hoạt động kinh tế xã hội trên mạng càng tăng bao nhiêu thì tội phạm sẽ gia tăng theo bấy nhiêu.
Một nội dung nữa đáng chú ý là sự phát triển công nghệ cao đến mức độ mà thậm chí nó đánh lừa cả những cái hệ thống bảo mật. Ví dụ bây giờ như AI - Trí Tuệ Nhân Tạo có thể giả danh hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá kêu gọi mọi người nên tham gia đầu tư cái này, tham gia cái kia để có lãi suất lớn, thực tế là những màn lừa đảo tinh vi. Xưa có thể nói nhìn tận mắt mới tin, nhưng với công nghệ hiện đại, giờ nhìn bằng mắt chưa chắc đã chính xác. Đó là 1 thách thức rất lớn.
Câu hỏi được đặt ra với với cơ quan chức năng là làm sao để kịp thời nhận diện phòng ngừa đấu tranh với nhóm tội phạm này. Vấn đề “diệt tận gốc” tội phạm công nghệ cao không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam và là vấn đề chung của toàn thế giới. Tội phạm công nghệ cao luôn “biến thể” và các nước trên thế giới đều gặp các vấn đề tương tự. Các đối tượng luôn có những thủ đoạn thay đổi để đối phó với cơ quan chức năng. Chúng ta tưởng tượng như virus COVID - 19 nó có rất nhiều biến thể. Khi chúng ta sản xuất ra loại vacxin này thì nó đã sang biến thể loại virus khác có thể mạnh hơn và khó điều trị hơn. Tội phạm công nghệ cao cũng vậy.
Công an tỉnh Bắc Giang bắt nhóm đối tượng lừa đảo tinh vi bán vé máy bay qua mạng
Phóng viên: Thời gian tới, nhóm tội phạm này có khả năng diễn biến ra sao? Để để ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm lợi dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Bắc Giang đã có phương án, kế hoạch phòng chống cũng như tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân như thế nào?
Đại tá Nguyễn Quốc Toản: Nói về diễn biến của tội phạm công nghệ cao thì có thể hiểu khi những hoạt động kinh tế -xã hội phát triển bao nhiêu đối tượng sẽ tiếp tục bám theo những cái hoạt động bấy nhiêu. Bởi trên không gian mạng, các đối tượng có thể ở bất cứ chỗ nào thực hiện hành vi mọi lúc mọi nơi mà không phụ thuộc vào không gian và thời gian.
Đồng thời, lúc nào chúng ta vẫn còn những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, không theo kịp những cái thực tiễn và bị hại không thoát khỏi 3 tâm lý: sợ, tham, tình thì các nhóm tội phạm vẫn còn lợi dụng để khai thác.
Và có lẽ là giải pháp căn cơ nhất vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền sớm để người dân nhận được các thủ đoạn của nhóm đối tượng. Vấn đề này không chỉ riêng Bắc Giang mà các tỉnh thành phố ở Việt Nam đều có các chuyên đề tuyên truyền rất tốt về nội dung này để cảnh giác, cảnh báo.
Thứ hai là tiếp tục xây dựng những cái quy tắc ứng xử trong không gian mạng, hướng tới 1 môi trường lành mạnh văn minh hơn và phòng ngừa được các hoạt động mà tội phạm lợi dụng để xâm hại quyền lợi ích của công dân.
Thứ ba là tăng cường công tác quản lý nhà nước vì tội phạm diễn biến liên tục, diễn biến rất nhanh và phức tạp. Việc làm định danh trong các hoạt động ngân hàng, nhà mạng… đang thể hiện nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hạn chế tối đa các hoạt động của nhóm tội phạm công nghệ cao.
Cùng với đó, là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tuyên truyền vào cuộc của cơ quan báo chí, truyền thông rồi các nhà trường, cơ quan. Nếu mà nhận thức của nhân dân cảnh giác cao lên, ý thức tham gia của người dân trên môi trường không gian mạng tăng lên thì những cái tội phạm công nghệ cao có thể thực hiện hành vi sẽ giảm đi.