Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải mã truyền thuyết trái tim Ông Đồ hóa đá dưới đàn trời vì dân

(DS&PL) -

Nằm ở phía đông hồ Thác Bà, thác Ô Đồ nổi tiếng với những câu chuyện kể giàu chất nhân văn gắn với vùng đất sơn cùng thủy tận nơi ngọn nguồn dòng sông Chảy hùng vĩ.

Ngọn thác trắng phau như dòng bạc trắng rót từ trên đỉnh núi xuống giữa bạt ngàn mây trắng, nằm chênh vênh giữa lưng chừng ngọn thác là đàn tế trời đất của một ông đồ. Ông tế trời đất mong sự bình yên cho dân làng. Dòng nước lũ đã cuốn ông đi, nhưng trái tim ông hóa đá giữa dòng thác như tình yêu thương của ông gửi lại nơi trần thế...

Ông đồ hóa đá

Hẹn hò mãi hôm nay tôi mới có dịp tới xã Phúc An, nằm ở phía đông hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái). Nơi đây có thác Ô Đồ nổi tiếng với những câu chuyện kể giàu chất nhân văn gắn với vùng đất sơn cùng thủy tận nơi ngọn nguồn dòng sông Chảy hùng vĩ.

Thác Ô Đồ chảy từ dãy núi Yến xuống sông Chảy có chiều dài khoảng 300m. Tiếng địa phương gọi là đát, đát có nghĩa là thác. Thác Ô Đồ có Ô Đồ Đát thượng và Ô Đồ Đát hạ. Cuối Ô Đồ thượng là vực sâu thăm thẳm, nước trong vắt. Ngồi bên bờ vào những ngày nắng hạ bụi nước từ ngọn thác và hơi nước từ dưới lòng vực phả lên mát lạnh.

Ông Vương Văn Bình - Nguyên Chủ tịch xã Phúc An, năm nay đã ngoài 70 tuổi dân tộc Cao Lan - kể: Theo sự tích của người Cao Lan, ngày xưa cạnh suối có một mảnh nương của một ông già Cao Lan. Khi lúa đã cao ngang thắt lưng, ông thấy có một con trâu trắng cứ vào lúc chiều muộn từ đâu tới ăn lúa nhà ông. Khi ông tới gần thì con trâu chạy biến đâu mất. Chiều nọ ông nấp trong bụi rậm túm được dây thừng, con trâu lồng lên kéo ông chạy thục mạng. Ông cố sức ghì mà không nổi, con trâu dứt đứt thừng nhảy xuống vực sâu biến mất.

Ông ngồi chờ con trâu trồi lên mặt nước để bắt về xem trâu nhà ai, ngồi mãi cho đến tối, rồi qua đêm vẫn không thấy con trâu ngoi lên khỏi mặt nước. Khi đó ông mới nhìn xuống đoạn dây thừng đứt vứt lại dưới đất, ông vô cùng kinh ngạc, đoạn thừng đó bằng bạc sáng lấp lánh. Nhờ có đoạn thừng bạc mà ông trở nên giàu có nhất vùng.

Ông Nguyễn Minh Việt chép lại bài thơ cổ.

Chuyện lan truyền tới tận kinh đô, vua nghe tin mới sai quân lính và dân chúng trong vùng đắp đập tát cạn nước trong vực sâu tìm trâu bạc. Sau mấy tháng trời ròng rã cả trăm con người tát nước mới cạn, quả nhiên người ta thấy con trâu bạc nằm phủ phục dưới đáy vực, nhưng bằng mọi cách con trâu không suy chuyển. Tin báo về, nhà vua thân chinh lên Phúc An để tận mắt nhìn thấy trâu bạc, ba cô công chúa cũng đòi theo đi.

Trâu bạc khi nhìn thấy ba cô công chúa từ trên kiệu hoa bước xuống, nó lồng lên khiến cho đập ngăn nước bị vỡ, nước ào ạt từ trên cao đổ xuống cuốn trôi ba cô công chúa xuống dòng sông Chảy. Vua cha cùng dân bản trong vùng thương tiếc lập đền thờ dưới gốc cây cổ thụ ngay trên miệng vực. Từ đó người dân gọi là vực Bạch.

Thác Ô Đồ đổ nước vào vực Bạch gắn với một câu chuyện kể của người Dao Quần Trắng. Vào cuối thời Lê sơ, đất nước loạn lạc, triều chính nghiêng ngả, quan tham nhung nhúc như giòi bọ, có một người đỗ đạt nhưng không ra làm quan, bởi ông chán ghét chốn quan trường thối nát, đã lên thuyền ngược dòng sông Hồng, sông Chảy lên vùng thâm sơn cùng cốc du ngoạn. Tới Phúc  An, thấy mảnh đất yên lành ông dừng thuyền cập bờ. Tại đây, thấy người dân hiền lành, tốt bụng nhưng không ai biết chữ. Ông mới mở lớp dạy cho con em trong bản chữ Nho.

Học trò đến học mỗi ngày một đông, hết lớp này đến lớp khác. Đứa nào học ông cũng biết đọc biết viết và sáng dạ. Ông không chỉ dạy chữ, ông dạy cách sống có đạo lý ở đời, biết cư xử lễ phép với ông bà, cha mẹ, hiểu được nghĩa quân vương... Tiếng tăm của ông lan rộng dọc theo sông Chảy, có chuyện gì không biết người ta đều tìm đến ông đồ nghe ông giảng giải. Chẳng ai biết tên ông, họ chỉ gọi là Ông Đồ.

Rồi một năm nọ, tại nơi này xảy ra một trận dịch tả khiến người dân chết la liệt, đầu tiên là lũ trẻ con, tiếp đến là những người già cứ thế lần lượt ra đi. Nhiều gia đình sợ hãi cõng nhau chạy lên núi như trốn chạy tà ma. Ông Đồ thương xót dân tình, nghĩ rằng ai đó đã làm điều ác bị trời phạt, nên mới dựng lều ở lưng chừng ngọn thác, nơi có tảng đá nằm giữa dòng suối cao quá đầu người lập đàn tế trời đất, mong trời đất phù hộ độ trì cho người dân nơi đây tai qua nạn khỏi.

Ông cầu cúng suốt bảy ngày bảy đêm, lời cầu khấn của ông đã vọng tới thiên đình. Đêm thứ bảy, trời bỗng nổi mưa giông, sấm chớp ầm ầm đánh xuống các đỉnh núi xanh lè. Mặc, ông vẫn quỳ gối cầu trời khấn đất. Nước từ trên khắp các triền núi trên đỉnh núi Yến đổ xuống tạo thành một dòng thác lũ cuốn phăng căn lều và ông Đồ ra sông Chảy.

Sau trận lũ kinh hoàng đó dịch tả cũng biến mất, người dân lũ lượt từ trên rừng tìm về bản sinh sống. Kỳ lạ thay, sau trận lũ họ thấy giữa ngọn thác hình trái tim hóa đá. Dân bản bảo đó là trái tim ông Đồ hóa đá, gửi lại tình yêu thương cho người dân nơi trần thế. Tảng đá nơi ông bày lễ vật cúng tế trời đất, người dân gọi là Đàn Trời. Trải qua mấy ngàn năm và hàng trăm trận thác lũ kinh thiên động địa, nhưng tảng đá vẫn trụ vững giữa lưng chừng ngọn thác.

Thương tiếc ông, người ta gọi dòng thác nơi ông mất là thác Ô Đồ, hay là thác Ông Đồ cũng vậy. Họ dựng một ngôi đền thờ dưới gốc cây cổ thụ nơi ông dựng lều cúng tế trời đất bên cạnh thác nước để tưởng nhớ công ơn của ông đã dạy dỗ con em họ nên người và cầu cứu trời đất giúp người dân thoát khỏi trận dịch. Ngôi đền ấy cũng gọi là đền Ô Đồ. 

Thác Ô Đồ

Không ai dám xâm phạm

Tháng Chín nơi núi rừng Tây Bắc vẫn đang là mùa mưa, khi tôi tới thác Ô Đồ trắng xóa như chảy từ trời xanh mây trắng xuống. Để lên tới tảng đá tôi phải luồn qua một đoạn đường rừng, rồi men theo bờ đá rêu trơn trượt để tận tay sờ vào tảng đá Đàn Trời.

Trên sườn tảng đá có 4 câu thơ chữ Nho khắc sâu vào tảng đá, mặc dù đã trải qua mấy trăm năm mưa gió và rêu phong nhưng thời gian không làm những dòng dòng chữ kia mờ nhòa, nét chữ vẫn còn sắc nét, như câu chuyện và tấm lòng Ông Đồ khắc sâu trong lòng người dân nơi đây.

Tôi hỏi ông Nguyễn Minh Việt, Bí thư xã Phúc An về 4 câu thơ đó. Không ngần ngại, ông Việt viết ra giấy mấy câu thơ đó được phiên âm như thế này:

Độc đáo sơn hạ túc

Tĩnh hướng nguyệt trung hành

Hà xứ thủy biên đối,

Dạ thung vân mẫu thanh

Dịch nghĩa:

Một mình tới ngủ non xanh,

Lặng im dưới bóng trăng thanh ngang trời

Suối đâu, cối nước liền bên

Chày đâm vân mẫu kìn kìn tiếng đêm

Tôi hỏi ông: “Sao ông nhớ thế?”- Ông cười đáp: “4 câu thơ này tôi được các cụ dạy từ tấm bé, nên quên sao được. Các cụ cho rằng đây là 4 câu thơ do Ông Đồ khắc vào tảng đá Đàn Trời. Mặc dù mấy trăm năm người dân ở đây không ai dám xâm phạm. Vào những ngày lễ Tết dân làng chúng tôi thường mang lễ vật lên miếu Ông Đồ cầu cúng. Các cháu học sinh ở đây trước khi đi thi đại học thường đến miếu Ông Đồ thắp hương, cầu vận may...”.

Tôi chân trần men theo dòng thác, phía dưới vực Bạc khắc sâu vào tảng đá là hình một trái tim khổng lồ một người có thể ngồi lọt trong đó. Người ta gọi dòng thác là thác Ô Đồ, trái tim đá là trái tim Ông Đồ. Phải! Đó là trái tim với tình yêu thương con người bao la của Ông Đồ đã hóa đá gửi lại nơi trần thế, nhắc nhở chúng ta về bài học nhân sinh....

Hà Sinh

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 4

Tin nổi bật