(ĐSPL) - Đi vào sâu khu rừng rậm, con suối hiện ra trước mắt chúng tôi, một dòng nước trong xanh, tưởng chừng như nơi đây chỉ là một con suối bình thường. Thế nhưng, không ai biết, phía sau hình ảnh đó, nơi đây đã từng xảy ra rất nhiều chuyện kinh hoàng và từ đó gắn với những đồn đoán quái dị, khiến người dân hoang mang phải lập đền thờ.
Chúng tôi đã tìm hiểu câu chuyện từ những người dân mong giải mã một phần câu chuyện kỳ quái này...
Kỳ bí câu chuyện hai anh em đi lạc trong rừng xanh
Từ trung tâm TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), chúng tôi men theo con đường mòn Hồ Chí Minh đến với Thác Bụt (tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vào những ngày cuối tháng 12. Ông Đinh Thanh Dự (70 tuổi), một già làng trong vùng cho rằng, sự tích Thác Bụt được truyền trong dân gian từ nhiều đời nay, được gắn liền với những vùng đất ở huyện Minh Hóa này.
Ảnh Thác Bụt. |
Theo ông Dự, đời xưa, có hai anh em một nhà nọ đi tìm ong lấy mật trong rừng xa. Hôm đó, hai anh em cứ nhắm hướng chóp núi lèn ông Ngoi (bây giờ thuộc địa phận thôn Tân Kiều, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa) mà đi. Đường đi gian khó, mây rừng cào cắt da thịt mà chưa tìm thấy được tổ ong nào và còn bị lạc lối đi quanh trong rừng rậm. Đến trưa, hai anh em cố cắt rừng rậm theo hướng có khoảng sáng thì lên đến chóp lèn ông Ngoi. Trên đỉnh lèn có chỗ đá bằng phẳng, lại có thêm giếng nước trong mát.
Thấm mệt, hai anh em ngồi nghỉ chân và mở gói cơm nắm ra ăn bữa. Ăn xong, múc nước giếng uống thì thấy khỏe khoắn vô cùng. Ăn uống xong, hai anh em kéo nhau lên trên tảng đá bằng định ngủ một giấc. Khi họ nằm ngửa trông lên thấy có cây cam cao lớn, nhiều trái chín bèn ngồi dậy trèo lên hái để ăn. Mỗi người ăn đến mấy quả, còn hái thêm mấy quả nữa bỏ túi định bụng mang về cho con. Thấy người khỏe lại, hai anh em nhà nọ tính chuyện đi về. Đi một lúc, hai anh em lạc bước quay trở lại giếng nước, kỳ lạ thay lại thấy cây cam ngay trước mặt.
Người anh nói với người em: "Hay do hai anh em ta lấy cam thần nên bị thần không cho về nhà? Hai anh em lấy cam trong túi ra trả lại để đi về. Được mấy bước thì trông lên bàn đá cao bằng phẳng phía trên thấy có mười hai hòn đá giống người ngồi thẳng hàng. Hai anh em họ trèo lên xem, thấy cũng đẹp mắt nên bàn nhau lấy về cho con chơi và khoe với làng chuyện lạ. Bàn xong, người em đi cắt dây rừng, buộc mỗi người một hòn mang về cho con chơi. Buộc xong, hai anh em cứ đường xuống núi mà đi.
Một hồi lâu thì đi đến thác nước ở Dác Dòm (suối nước chảy từ rừng ra nay thuộc xã Hồng Hóa, Minh Hóa) thấy người nóng nực nên họ nói với nhau bỏ hai hòn đá xuống bên bờ khe để xuống suối tắm. Tắm xong, hai anh em đến mang hai hòn đá đi về thì thấy đá mắc cứng bên suối, cố đến mấy cũng không nhấc lên được. Hai anh em sợ quá, bỏ luôn hai hòn đá lại bờ khe đó rồi chạy một mạch về nhà và nín lặng không dám kể chuyện với một ai. Tuy nhiên, sự lạ là kể từ buổi ấy, ở làng Ang (nay thôn Thống Nhất, xã Hồng Hoá, huyện Minh Hóa), làng Cầu (nay thuộc thôn Tân Kiều, xã Yên Hóa) và làng Phooc Lác (nay thuộc thôn Yên Đức, xã Yên Hóa) bỗng nhiều người lăn đùng ra ốm.
Trước sự bất an của dân làng, ba làng cử các cụ cao niên đi tìm thầy khắp nơi coi bói để xem cơ sự vì sao mà ra nông nỗi này. Xem bói ở đâu, thầy bói đều nói giống nhau là: "Trong làng có hai người đến chỗ của Bụt ở, Bụt ngồi đánh cờ mà quậy phá mang hai ông đến một thác nước rồi bỏ về, làm cho Ngài giận. Bây giờ, làng nên đến chỗ thác nước đó mà thờ phụng, tế lễ cho Ngài thì may ra Ngài bớt giận". Cả ba làng khẩn trương đi tìm hai người nào cả gan phạm thượng để Bụt trút giận. Lại hỏi trong làng có ai đi đâu, có gặp Bụt hiện lên ở chỗ nào không? Biết không thể giấu được, hai anh em nhà ấy phải kể lại là lên đến chỗ Bụt ở trên lèn ông Ngòi và có mang hai ông đem đến thác nước ở Dác Dòn. Ba làng bèn cử người đến thác nước đó lập bàn thờ để thờ. Từ đó, thác nước Dác Dòn được gọi là Thác Bụt.
Đến những giai thoại quanh con thác
Tiếp mạch câu chuyện, ông Dự kể, từ khi biết câu chuyện kỳ bí này, vào dịp Rằm tháng Ba, người dân huyện Minh Hóa vẫn đến đây cúng lễ, cầu xin may mắn.
Các vị cao niên làm lễ tại Thác Bụt. |
Cứ hai năm một lần, đến ngày Rằm tháng Ba, người dân lại đem lễ vật tinh sạch đến đồi Dác Púng làm rạp, xuống thác Bụt rước Ngài lên làm chay, cầu Ngài phù hộ mưa thuận, gió hòa, dân làng bình yên, làm ăn giàu có. Có một lần, sau khi làm lễ chay xong, hàng tổng cho người lên tháo dỡ rạp, thì không dỡ được. Người nào trèo lên tháo dỡ cũng bị ngã lên ngã xuống hoặc bị gỗ rơi trúng người gây thương tích. Thấy việc lạ, người dân nơi đây liền làm lễ xin Ngài cho dân làng sửa cái rạp lại thành nhà chùa thờ Ngài luôn tại đó.
Như để nhắc nhở chúng tôi phải thành kính nơi linh thiêng, ông Dự cho biết: "Trước đây, tôi nghe các cụ kể có một lần, có tên quan Tây đồn Quy Đạt đi ngang qua Thác Bụt, thấy dưới chân bàn thờ Ngài có con chim cu đậu, bèn lấy súng bắn. Viên đạn bị trật, chim cu bay mất nhưng điều ngạc nhiên chính là tên quan Tây sau hôm đó liền bị ốm nặng. Thấy bệnh nặng, nhiều thầy thuốc được đưa tới chữa trị nhưng không biết bệnh gì, sau thời gian ngắn thì tên quan Tây đó chết. Từ đó, người dân trong vùng càng tin vào sự linh thiêng của vùng đất này".
Trong ký ức của người dân địa phương, từ già đến trẻ hỏi đến những câu chuyện về Thác Bụt hầu như ai cũng biết. Một người dân địa phương cho biết: "Nếu đi đến đó thì nguy hiểm lắm, tôi cũng chỉ biết tỏ lòng thành kính thôi". Cũng có những người già can ngăn chúng tôi: "Đừng đi đến đó, là nơi linh thiêng, không đùa được đâu".
Nét văn hóa tâm linh của người dân trong vùng Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, Thác Bụt là nơi linh thiêng và cũng là nét văn hóa đặc trưng của vùng. Hiện, huyện vừa mới xây dựng lại. Đó cũng là nguồn gốc lễ hội Rằm truyền thống hằng năm, như một di sản phi vật thể của vùng sơn cước này. Những câu chuyện trong Thác Bụt tuy chưa thể lý giải, nhưng ở vùng quê này người dân đều tin vào điều đó. |