Giữa thời tiết lạnh buốt, nhiều tiểu thương mang đào, bưởi lên Hà Nội kinh doanh đã phải thức trắng hoặc ngủ vỉa hè để trông coi thành quả.
|
1 tháng trước Tết được coi là thời điểm quyết định để những hộ dân trồng đào, bưởi Tết “gặt hái” thành quả sau 1 năm vất vả. Dọc tuyến đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội), các chủ vườn đã bắt đầu dựng lều, sẵn sàng thức đêm trông cây. |
|
Anh Phạm Đức Ước (38 tuổi, quê Hải Dương) là chủ hộ kinh doanh bưởi, hoa Tết trên đường Võ Chí Công. Khoảng 2 tuần nay, anh và nhân viên đã bắt đầu phân chia nhau túc trực, “ngủ cùng” cây cả đêm: “Mọi ngày cứ khoảng 10h là tôi quây bạt lại để tránh kẻ xấu trộm cắp. Mấy hôm thời tiết rét buốt nên tối có phần khó ngủ, chỉ chợp mắt được một lúc, tuy nhiên vẫn phải cố thôi”. |
|
Chỗ ngủ “dã chiến” của anh Ước được che tạm bằng tấm bạt mỏng manh. |
|
Theo anh Ước, thường khách hàng tập trung mua cây cảnh chơi Tết bắt đầu từ mùng 10 âm lịch trở ra: “Lúc đó chắc chắn sẽ phải thức trắng vì phải thức trông coi cũng như phục vụ khách”, anh nói. |
|
Tại một vườn bưởi khác trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội), người trông coi tại đây cho biết được trả công 150.000 đồng/đêm, có thể thêm tiền thưởng tuỳ vào tình hình kinh doanh. Mọi đồ đạc sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ... đều được chuẩn bị sẵn để đảm bảo cuộc sống tạm thời này đến tết âm lịch. |
|
Trời càng lạnh khi về khuya. Vì lẽ đó, người dân đã chuẩn bị ấm trà nóng, quây quần chống chọi với cái rét đêm. |
|
Tại vườn đào thế “trăm triệu” trên đường Võ Chí Công, chủ vườn cũng dựng lều để trông coi 24/24. |
|
Hệ thống đèn cũng được mắc để người trông coi có thể quan sát cây dễ hơn. |
|
Cảnh "màn trời chiếu đất” của người trông cây đã trở nên quen thuộc mỗi dịp cận Tết. |
Hiếu Nguyễn