Theo tin kinh doanh mới nhất trên chuyên trang Kinh tế Việt Nam, giá dầu thế giới rạng sáng nay (20/9) trên hệ thống của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (đơn vị duy nhất ở Việt Nam), giá dầu WTI chốt phiên lúc 5h45 (giờ Việt Nam) trên MXV là 91,59 USD/thùng, giảm 0,72% (tương đương giảm 0,66 USD).
Giá dầu Brent chốt phiên lúc (giờ Việt Nam) trên MXV là 94,34 USD/thùng, giảm 0,10% (tương đương giảm 0,09 USD).
Giá dầu liên tục tăng những ngày vừa qua, vượt qua các mức kháng cự quan trọng của năm, do đó khi đã phá vỡ sẽ khó có thể xác định được đỉnh tạm thời của nhịp điều chỉnh giảm.
Giá xăng dự báo tăng mạnh, có loại vượt mốc 26.000 đồng/lít.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu vẫn theo mức giá tại lần điều hành gần nhất ngày 11/9. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 là 23.470 đồng/lít; xăng RON 95 ở mức 24.870 đồng/lít.
Giá xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào chiều 21/9.
Báo Dân trí dẫn lời lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, thời gian qua giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ trước. Mức tăng tương đối mạnh.
Dựa trên diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp dự báo trong kỳ điều hành ngày 21/9, xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 800-900 đồng/lít, xăng RON 95 có thể tăng 1.050-1.150 đồng/lít, dầu diesel có thể tăng 800-900 đồng/lít.
Trường hợp dự báo trên là chính xác, mặt hàng xăng sẽ có lần tăng trở lại sau phiên giữ nguyên giá vào ngày 11/9, trong đó giá xăng RON 95 sẽ có thể tăng lên mốc 26.000 đồng/lít. Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết tổng số trích quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong quý II (từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6) là 1.779,2 tỷ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý là 5,9 tỷ đồng.
Với việc số dư quỹ BOG tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.
Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý II, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6 cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ.
Đứng thứ 2 là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612,3 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 468,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 454 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP với 397 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với 333 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội với 307 tỷ đồng…
Báo cáo cũng ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Cụ thể, đứng đầu là Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh với âm 32,2 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Oil) âm 22,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An âm 12,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 4,1 tỷ đồng.
Vân Anh (T/h)