(ĐSPL) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn cả nước trong tháng 6 vẫn tiếp tục đà tăng cao, tăng 0,46\% so với tháng 5.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn cả nước trong tháng 6 vẫn tiếp tục đà tăng cao đã bắt đầu từ tháng trước, tăng 0,46\% so với tháng 5. Có 10/11 nhóm hàng đã tăng giá và lực đẩy lớn nhất đến từ nhóm giao thông, lần lượt tới nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,55\%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,21\%), văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,18\%)… Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06\%.
Nhóm giao thông trong tháng 6 đã tăng tới 2,99\% so với tháng 5. Điều này cũng dễ hiểu vì trong chu kỳ lấy số liệu, nhóm hàng hóa chính trong nhóm là xăng dầu đã có hai lần tăng giá. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ hè tăng cao cũng đã khiến giá cước vận tải hành khách có biến động.
Việc giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 608 đồng/lít vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46\% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27\%.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 1,72\%.
Đây là mức tăng có tốc độ tương đối thấp so với các năm trước và còn khoảng cách an toàn với chỉ số giá tiêu dùng mà Quốc hội chốt cho năm 2016 ở mức dưới 5\%. Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê nhận định, giá dịch vụ y tế, giáo dục và xăng dầu... sẽ gây áp lực lên CPI.
Tháng 6, nhu cầu dùng điện tăng do nắng nóng, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27\%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03\%. |
Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 24/6, trong 11 nhóm hàng và dịch vụ chính để tính CPI có 10 nhóm hàng tăng đáng chú ý, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức 2,99\%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55\%, hàng ăn uống dịch vụ tăng 0,21\%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18\%, may mặc, giày dép tăng 0,06\%, thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06\%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05\%, giáo dục tăng 0,06\%...
Về nguyên nhân làm tăng CPI 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, từ giữa tháng 3, giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại khiến giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 6 đợt làm xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezen tăng 880 đồng/lít đã làm CPI tăng 0,27\%. Tiếp đến là nhóm thực phẩm tăng 0,36\% do tháng 5 xảy ra vụ cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung dẫn đến tâm lý người tiêu dùng lo ngại cá nhiễm độc nên chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm khiến giá tăng. Cạnh đó, do thời tiết khô hạn kéo dài và tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam đã gây thiệt hại diện tích rau trồng trên diện rộng nên giá rau tăng cao. Trong khi trước đó, tháng 2/2016 xảy ra rét đậm trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến giá rau tươi, giá rau xanh tăng tới 15 - 20\%.
Bên cạnh đó, nhu cầu dùng điện tăng do nắng nóng, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27\%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03\%. Nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng khiến cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14\%.
Tháng 6 cũng là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48\% so với tháng trước.
Cũng trong tháng 6, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Đến ngày 15/6, giá vàng trong nước tăng nhẹ, dao động ở mức 3,434 triệu đồng/chỉ. Tính bình quân tháng 6, giá vàng trong nước giảm 0,01\%.
Tỷ giá VND/USD trong tháng này khá ổn định, xoay quanh ngưỡng 22.300 VND/USD do cung cầu trong nước không có biến động lớn. Cán cân thương mại trong các tháng đầu năm 2016 thặng dư lớn, nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, cùng với chính sách hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp cho tỷ giá VND/USD tiếp tục được giữ ổn định.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2016 tăng 0,13\% so với tháng trước và tăng 1,88\% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm trước tăng 1,8\%.
Trong tháng 6, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu. Bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong tháng 6, CPI tại tất cả các địa phương đều tăng so với tháng 5. Nhiều tỉnh thành có mức tăng cao hơn số bình quân cả nước. Chẳng hạn như TPHCM tăng 0,8\%; Vĩnh Long, Cần Thơ tăng 0,63\%; Đà Nẵng tăng 0,58\%...
Dự báo CPI tháng 7, Vụ Thống kê giá cho biết sẽ tăng nhẹ so với tháng 6, do một số yếu tố như: giá thực phẩm tăng; giá xăng dầu tăng nhẹ do giá dầu diezel tăng; giá vật liệu xây dựng tăng; giá nước sinh hoạt tăng; kỳ thi cao đẳng, đại học diễn ra trên toàn quốc; đồng thời, tháng 7 là tháng du lịch nên tác động đến giá các mặt hàng dịch vụ tăng.
Dự báo về CPI cả năm 2016, các chuyên gia của Vụ Thống kê giá cho biết, Tổng cục Thống kê sẽ còn phải tính toán với các giả định có các yếu tố ảnh hưởng như: mức tăng của giá dầu thô thế giới; giá dịch vụ giáo dục và giá dịch vụ y tế được điều chỉnh ra sao?
Để đạt được mục tiêu, kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 5\% như Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin