Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gia Lai công bố nguyên nhân đường 250 tỷ mới làm đã nứt toác, sụt lún nghiêm trọng

(DS&PL) -

Nguyên nhân khiến đường 250 tỷ vừa làm đã nứt toác là do hai lớp đất yếu; khâu tư vấn, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nghiên cứu bản vẽ còn thiếu kinh nghiệm...

Qua giám định, nguyên nhân khiến đường 250 tỷ vừa làm đã nứt toác là do hai lớp đất yếu; khâu tư vấn, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nghiên cứu bản vẽ còn thiếu kinh nghiệm...

Báo Dân Trí đưa tin, ngày 23/10, UBND tỉnh Gia Lai đã ra thông báo số 59/TB-UBND về kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình đoạn Km10+200 - Km10+350 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nứt toác, sụt lút "ngoài sức tưởng tượng".

Cụ thể, dựa trên cơ sở kết quả kiểm định của Trung tâm kỹ thuật đường bộ ngày 7/10 và kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình đoạn Km10+200 - Km10+350 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê của bộ GTVT ngày 17/10, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng sụt lún đoạn đường trên là do hai lớp đất yếu (trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy) nằm phía dưới lớp vỏ cứng, phân bổ rộng khắp khu vực sự cố và xuất hiện nước ngầm, chưa phát hiện được để xử lý triệt để trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, gây mất ổn định công trình.

Con đường với vốn đầu tư hơn 250 tỷ chưa đưa vào sử dụng đã nứt toác như động đất. Ảnh: Dân Trí

Bên cạnh đó, khâu tư vấn thiết kế lập hồ sơ bước thiết kế bản vẽ thi công chưa phát hiện ra cũng như chưa đề xuất khảo sát bổ sung khi đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn đặc biệt, bất lợi. Hơn nữa, khi phát hiện có nước ngầm, các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án 6 chưa nghiên cứu, xem xét đầy đủ những điều kiện thời tiết bất lợi trong quá trình khai thác.

Trong quá trình triển khai dự án, Ban Quản lý dự án 6, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khi nghiên cứu thiết kế bản vẽ thi công còn thiếu kinh nghiệm, chưa lường trước hoặc đưa ra các dự báo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tại khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp.

Về giải pháp khắc phục, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án 6, tư vấn thiết kế và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất để xem xét, quyết định giải pháp khắc phục sự cố đảm bảo kinh tế-kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài. Ngoài ra, để an toàn cho người dân trong vùng dự án, không ảnh hưởng đến các đoạn tuyến liền kề, theo đề nghị của bộ GTVT, UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chủ trương cho phép dỡ tải và triển khai các bước xử lý tiếp theo để khắc phục sự cố công trình.

Quá trình dỡ tải, Ban quản lý dự án 6 và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông, lao động, vệ sinh môi trường và an toàn tuyệt đối cho người, tài sản cũng như các công trình lân cận. Phân định trách nhiệm, thông báo 59/TB-UBND nêu rõ, trong quá trình xây dựng công trình, việc khảo sát, thiết kế đã cơ bản tuân thủ quy định.

Do công trình mới hoàn thành, chưa được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng nên để đẩy nhanh tiến độ huy động công trường, khắc phục sự cố hư hỏng, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban quản lý dự án 6 chỉ đạo nhà thầu thi công khẩn trương triển khai khắc phục hư hỏng.

Cũng liên quan tới vụ việc, ngày 23/10, trao đổi với báo Người Lao Động, ông Mai Anh Đồng, Tổng Giám đốc Công ty CP 471 (TP Vinh, Nghệ An) - đơn vị thi công đoạn đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bị sụt lún cho biết, bộ GTVT đã giao cho đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 6 đàm phán với nhà thầu thi công để xử lý, khắc phục sự cố trên.

Theo ông Đồng, phía Ban quản lý dự án 6 muốn nhà thầu thi công chia sẻ về thiết bị, kinh phí và con người để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư chưa lên kế hoạch, phương án và chi phí sửa chữa đoạn đường này.

"Trước mắt chủ đầu tư đàm phán nhờ nhà thầu thi công dỡ hết đoạn đường bị sụt lún. Sau đó phía chủ đầu tư sẽ cho người nghiên cứu, xem xét địa chất rồi sẽ đưa ra giải pháp. Khi đó mới đưa ra được kinh phí khắc phục, thời gian sửa chữa", ông Đồng nói và cho biết hiện tại mới dự kiến thời gian khắc phục, sửa chữa là 3 tháng.

Như đã đưa tin trước đó, từ 3/9, tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê có tổng kinh phí 250 tỷ bất ngờ bị sụt lún nghiêm trọng làm biến dạng mặt đường gần 200 mét.

Tuyến đường có mức đầu tư gần 250 tỉ đồng do BQLDA 6 (bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km. Công trình khởi công vào giữa tháng 5/2018 và mới hoàn thành vào tháng 6/2019 nhưng chưa bàn giao sử dụng.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật