Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giả điên để cứu 7 cán bộ huyện ủy, huyện đội

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Bốn mươi năm sau cuộc chiến tranh khốc liệt, chúng tôi tới thăm ông, để nghe kể về những hồi ức đau thương nhưng huy hoàng ngày đó.

(ĐSPL) - “Con sóc trinh sát tỉnh Quảng Đà” chính là biệt danh mà anh em đồng đội đặt cho ông Khương, nguyên Trung đội trưởng trinh sát Đại đội M53 trinh sát- Quân báo tỉnh đội Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ).

Bốn mươi năm sau cuộc chiến tranh khốc liệt, chúng tôi tới thăm ông, để nghe kể về những hồi ức đau thương nhưng huy hoàng ngày đó.

Giả khùng để cứu 7 cán bộ huyện ủy, huyện đội

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha tập kết, mẹ là cơ sở nuôi giấu chiến sỹ cách mạng, bảy anh em ông không ai bảo ai đều lên đường bảo vệ Tổ quốc, riêng ông Nguyễn Văn Khương (SN 1946) sống và chiến đấu ở gần nhà mình tại xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ông Khương bên Sa bàn đá do ông tự làm.

Mới 16 tuổi ông Khương đã tham gia du kích, 17 tuổi chuyển sang làm trinh sát. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, dũng cảm của mình, không lâu sau, ông trở thành tiểu đội trưởng trinh sát của huyện Điện Bàn. Ông nói: “Mình đánh trận nhiều, cũng nhiều lần thập tử nhất sinh, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là lần bảo vệ bảy cán bộ quan trọng của huyện. Đó là ngày 1/12/1964, mình cùng ba trinh sát nữa nhận được nhiệm vụ đưa bảy anh lãnh đạo từ cơ sở về nghỉ tại xã Điện Hòa”.

“Bất ngờ, địch nhận được tin tình báo là có cán bộ chủ chốt của ta đang ở Điện Hòa, thế là chẳng mấy chốc, chúng bao vây toàn bộ xã. Nói thật là lúc đó tôi cũng hoảng, nhưng khi bình tĩnh lại, quyết tâm phải dùng mọi cách bảo vệ được các anh. Tôi chỉ đạo cho 3 người còn lại chia ra 3 hướng, phụ trách bảo vệ các anh, còn tôi ở lại chống trả gây nhiễu loạn”, ông kể tiếp.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó với băng đạn đầy ắp, tôi đã định xả đạn để đánh địch, rồi nghĩ, nếu diệt được nhiều tên địch, mình có thể hy sinh nhưng chúng bắt được mấy anh thì sẽ thất bại. Thế là một ý tưởng lóe lên, tôi cởi bỏ hết quần áo, lấy than, cát bôi đầy người, lấy lá tre, lá mía nhai ngấu nghiến, bắt kiến lửa để nó cắn vào “chỗ hiểm” cho sưng to, rồi sấn tới chỗ bọn lính đang gác rất đông, mếu máo: “Cháu đói quá, đau quá, cho thuốc, cho cơm...”.

“Thế là cạch cạch, một tên gí súng vào bụng tôi quát: “Mày theo phe cộng sản”, nhưng tôi vẫn bình tĩnh chỉ vào ngực: “Ứ ứ, bắn đi, bắn đi, đói đói, đau quá, cho thuốc, cho cơm”. Bị gí súng như thế khoảng bảy lần, nhưng rồi có vẻ chúng cũng tin, đuổi tôi đi. Tôi đang lầm lũi bước thì một tên gọi giật lại, phen này chết chắc, khi tôi quay lui, chúng bốc đưa cho hai củ khoai rồi quát: “Đi nhanh”. Tôi  nhanh chóng trở về chỗ anh em, biết được lãnh đạo đã thoát, tôi mừng rơi nước mắt”, ông kể thêm.

Bà Phan Thị Liễu (75 tuổi), một cơ sở cách mạng nhớ lại: “Hôm đó khoảng 9h sáng, khi vừa nghe tin địch bao vây, anh Khương nhanh như sóc đưa anh Nam (Huyện đội trưởng Điện Bàn lúc đó) và anh Tựu (cán bộ Chính trị Huyện đội lúc đó) ra khỏi nhà tôi. Khoảng 10 phút sau, anh quay lại đưa hết quần áo, súng đạn,... cho tôi cất giữ rồi bôi bẩn lên người, miệng nhai lá rồi tiến tới những tên địch đang gác. Tôi thấy anh làm vậy rất đúng, vì nếu anh liều mạng với địch thì anh chắc chắn chết, mà cán bộ lại chưa chắc an toàn”.

Trong cuộc chiến ác liệt, ông Khương cũng có thể gọi là một “trí thức cầm súng”, cũng vì vậy ông thường có những sáng kiến trong chiến đấu. Ví dụ như, ông là người đầu tiên dùng sa bàn để phục vụ chiến đấu ở Quảng

Nam
. Ông nắm rất rõ thực địa, nhờ vậy mà ông và đồng đội đã thoát chết. Đó là ngày 9/4/1967, ông cùng 14 người nữa sau khi công tác về trú ẩn tại bãi mía xã Xuyên Hiệp (huyện Duy Xuyên). Địch phát hiện, đốt bãi mía hòng bao vây tiêu diệt ta, ông đã chỉ toàn bộ mọi người chạy về hướng mà ông cho là địch chưa bao vây, còn mình ở lại chống cự. Ông ở lại vừa chống trả vừa dập lửa. Đến 8h, ông tìm được đồng đội của mình an toàn.

Làm “liệt sỹ” để cứu mẹ

Sau nhiều trận đánh với nhiều chiến công hiển hách, cái tên Nguyễn Văn Khương đã trở thành nỗi khiếp sợ của địch. Thế là, chúng sử dụng nhiều biện pháp để chiêu dụ, ép buộc ông. Biết ông là người có hiếu, chúng truy lùng, bắt và tra tấn mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thâm, cũng là một cơ sở cách mạng. Ở nơi chiến trường, ông hết sức đau lòng và hoang mang. Nhưng không thể đầu hàng địch được. Thế là một sáng kiến rất sáng tạo được nghĩ ra: Ông giả chết để lừa địch.

Ngày 3/2 năm 1965, giấy báo tử ghi: “Đồng chí Nguyễn Văn Khương đã anh dũng hy sinh ngày 3/2/1965” được gửi về địa phương. Nhờ đó, mẹ ông được thả về và lập bàn thờ cho con. Không hay biết chuyện con giả chết, bà Thâm đau khổ tiễn đưa con trai mình, bà con trong làng cũng sang thăm viếng rất đông. Ông Khương, lúc đó không thể tiếp tục chiến đấu ở chiến trường Quảng

Nam
nữa. Ông trở thành học viên của trường Quân báo Quân khu V tại Quảng Ngãi.
Ảnh minh họa.

Từ năm 1966 đến 1969, ông về đơn vị trinh sát quân báo M53 thuộc Tỉnh đội Quảng Đà, được phong quân hàm Đại úy, Trung đội trưởng rồi Đại đội phó... với những chiến công lẫy lừng... Sau Mậu Thân 1968, ông được điều lên Đắk Lắk, rồi sang chiến trường Campuchia. Sau nhiều lần bị thương, ông được đưa ra miền Bắc điều trị, học hết cấp 3, vào trường Quân chính Quân khu 3, Quân khu Tả Ngạn, rồi về Tổng cục 2 bộ Quốc phòng. Hòa bình lập lại, ông chuyển sang công tác trong ngành thể thao.

Cái “bằng liệt sỹ” ấy ông luôn giữ, cho đến khi đốt để đi theo người mẹ đã mất. Dù có nhà ở Hà Nội, Đà Nẵng, nhưng ông chọn quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên và chiến đấu để sinh sống những ngày tháng tuổi già. Ở nơi đây, ông vẫn tiếp tục từng ngày đóng góp cho quê hương bằng những hình thức khác, từ thiện.

Ông “Khương từ thiện” của xóm Bùng

Có một câu chuyện về ông Khương khiến chúng tôi hết sức cảm động. Hai vợ chồng ông đều đã về hưu, số tiền lương hưu tích cóp được không nhiều. Tiết kiệm mãi mới được hai chỉ vàng, mà ông bà gọi là “tiền ốm đau”. Thế nhưng, thấy mấy cháu nhỏ ở hai trường mẫu giáo trong thôn không có nước sạch dùng, ông đã giấu bà đem đi bán để mua hai cái máy bơm nước. Ông nhìn bà cười:  “Thấy mấy đứa nhỏ không có nước xài, tôi không chịu được. Bà lườm nhưng tôi biết bà thương tôi nhiều lắm”, ông vui vẻ chia sẻ.

Bên cạnh đó, mỗi tháng ông dùng một nửa số tiền lương thương binh của mình để trợ cấp cho các em nhỏ nhà nghèo hiếu học. Ông cho rằng, không thể vì nghèo mà để các cháu phải bỏ học giữa chừng. Mình giúp chúng cây bút, quyển vở thì không nhiều, nhưng để chúng có thêm động lực. “Tôi làm từ thiện là để trả nợ cho người dân mình. Họ đã lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ, vá từng manh áo rách, cứu sống mình. Giờ mình thấy nhiều người còn khó khăn quá, mình không giàu có gì, nhưng giúp được bấy nhiêu thì giúp thôi”, ông Khương chia sẻ.

Chia tay, ông hát cho chúng tôi nghe “bài ruột” Tiểu đoàn 307,  bài hát từng giúp ông đoạt giải Bạc liên hoan tiếng hát toàn quân. Giọng của “huyền thoại chiến tranh” như cách gọi của người dân và đồng đội nơi đây, vẫn còn âm vang lắm. Bây giờ, với thú vui điền viên cùng con cháu, ông sống rất thanh thản sau nhiều năm tháng xông pha nơi chiến trường lửa đạn.                 

Bông hoa giữa đời thường

Ông Huỳnh Tấn Lài, Hiệu phó trường THCS Trần Phú (Điện Bàn, Quảng 

Nam
) cho biết: “Anh Khương là một người hết sức nhiệt tâm, anh thường tài trợ một số suất học bổng cho trường, cũng như trợ cấp cho một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ví dụ như em Nguyễn Thị Liên, mồ côi bố, mẹ u não không còn sức lao động, được anh trợ cấp hàng tháng cho đến khi vào học cao đẳng”.

QUANG VINH

Xem thêm video: Lệnh truy nã đối tượng phá hủy an ninh quốc gia ngày 31/3

Tin nổi bật