Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Gáo nước lạnh” dập tắt “ảo mộng” đảo chiều xung đột bằng tên lửa ATACMS của Ukraine

  • Đinh Kim (Theo Telegraph)
(DS&PL) -

Ukraine vẫn phải đối mặt với một số bất lợi, ngay cả khi được Mỹ cho phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Theo nhận định trên Telegraph, việc Mỹ “bật đèn xanh” cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Washington cung cấp có thể giúp Kiev giữ vững vị trí ở vùng Kursk của Nga - lá bài giá trị cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.  

Tuy nhiên, quyết định này đã được cân nhắc rất cẩn thận để giảm thiểu rủi ro leo thang và có quá nhiều hạn chế phòng ngừa đến mức không thể thay đổi đáng kể diễn biến xung đột. “Quả thực tên lửa ATACMS sẽ giúp ích cho Ukraine ở Kursk nhưng thực sự quá hẹp và quá muộn”, ông Andrei Zagorodnyuk - cựu Bộ trưởng quốc phòng Ukraine nói.

Hạn chế về địa lý

Các báo cáo ban đầu tiết lộ, Mỹ chỉ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công lực lượng Nga ở Kursk – nơi quân đội Ukraine đang cố gắng bám trụ nhằm sử dụng làm “quân bài mặc cả” trong trường hợp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hối thúc các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Theo ông Zagorodnyuk, việc có thể tấn công các đầu mối đường sắt, sở chỉ huy và các điểm tập trung sâu bên trong khu vực này chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt đối với khả năng phòng thủ của Ukraine. Thế nhưng, cuộc giao tranh ở Kursk mang tính chiến thuật, khi cả hai bên đều triển khai các cuộc tấn công bằng những đơn vị nhỏ, phân tán cao để giành hoặc tái kiểm soát lãnh thổ.

Tên lửa ATACMS được tích hợp với hệ thống HIMARS. Ảnh: Reuters

Nhiều mục tiêu có giá trị nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS – hàng trăm căn cứ không quân và các các cơ sở quân sự khác ở các khu vực Smolensk, Kaluga, Bryansk, Tula, Lipetsk, Belgorod, Voronezh, Rostov và Krasnodar, nằm ngoài giới hạn cho phép.

Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào một số kho đạn dược, vũ khí và địa điểm tập trung quân ở Kursk, với điều kiện chúng chưa được bố trí theo hướng phân tán. Tuy nhiên, ông Konrad Muzyka - giám đốc của Rochan, nhóm tư vấn tình báo nguồn mở tại Ba Lan cho hay: “Theo tôi biết thì họ đã làm như vậy. Vì thế, các mục tiêu mà Ukraine có thể tiếp cận sẽ bị hạn chế”.

Hạn chế về thời gian

Lần đầu tiên Ukraine nhận được tên lửa chính xác của phương Tây là vào mùa thu năm 2022 và chúng thực sự đã giúp Ukraine “thay đổi cuộc chơi”.

Những tên lửa GMLRS đầu tiên được cung cấp cùng hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất đã gây thiệt hại nặng cho hệ thống chỉ huy, kiểm soát và hậu cần của Nga. Chúng cũng góp phần quan trọng vào thành công của các cuộc tấn công của Ukraine ở Kherson và Kharkiv.

Thế nhưng, đây là chuyện của 2 năm trước. Nga đã có đủ thời gian để thích nghi bằng cách bố trí phân tán các trung tâm hậu cần và điểm tập kết quân, cùng với đó phát triển khả năng gây nhiễu và đánh chặn.

Sau một năm yêu cầu, mãi đến cuối năm 2023, Ukraine lần đầu tiên nhận được tên lửa tầm xa ATACMS có cùng bệ phóng nhưng tầm bắn lên đến 300km. Loại tên lửa này đã gây thiệt hại lớn cho những khu vực do Nga kiểm soát khi được triển khai, bao gồm một số cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ không quân ở Crimea.

Tuy nhiên, tranh cãi kéo dài về việc có nên để Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công vào trong lãnh thổ Nga hay không đã giúp Nga có thêm thời gian để nghiên cứu và áp dụng các biện pháp đối phó. Hồi tháng 8/2024, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) cho biết, Nga đã tái triển khai máy bay từ ít nhất 16 căn cứ không quân nằm trong phạm vi của tên lửa ATACMS.

Hạn chế về số lượng tên lửa

Tháng 9/2023, trong khi quyết định ban đầu về việc cung cấp tên lửa ATACSM cho Ukraine vẫn gây tranh luận, Tướng Kyrillo Budanov – Giám đốc tình báo quân sự Ukraine chia sẻ với trang WarZone rằng, “nếu chỉ có 100 tên lửa thì tình hình sẽ không thay đổi”.

Theo Tướng Kyrillo Budanov, Ukraine cần ít nhất hàng trăm tên lửa. Đến thời điểm điểm hiện tại, số lượng chính xác tên lửa ATACMS mà Ukraine nhận được và số tên lửa còn lại vẫn là điều bí mật.

Tên lửa ATACMS có tầm bắn lên đến 300km. Ảnh minh họa: Defense Post

Một số quan chức quốc phòng Mỹ đã phản đốii gửi lượng lớn tên lửa này đến Ukraine bởi kho dự trữ của Mỹ có hạn và cần phải đáp ứng các cam kết quốc phòng của Washington ở những nơi khác, cụ thể là Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Nga đã tuyên bố đã đạt được thành công trong việc bắn hạ và gây nhiễu hệ thống dẫn đường GPS của tên lửa GMLRS và ATACMS. Mặc dù khó xác nhận tỷ lệ đánh chặn thực tế nhưng cũng không thể đảm bảo rằng mỗi tên lửa còn lại đều sẽ nhắm trúng mục tiêu.

“Tất cả nằm ở số lượng tên lửa. Nếu Ukraine còn lại hàng trăm tên lửa ATACMS thì Nga sẽ khó thích ứng hơn và phải chịu tổn thất nặng nề hon nhiều. Tuy nhiên, nếu còn lại 100 tên lửa thì con số này không thể tạo nên tác động lớn đối với hoạt động tấn công tên lửa, chứ đừng nói đến cả cuộc xung đột”, ông Muzyka nói.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Mỹ có cung cấp thêm tên lửa ATACMS cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm 2025 hay không. Hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này.

Tin nổi bật