(ĐSPL) – Vị trí tuyến cáp quang AAG gặp sự cố cách bờ lỗi cáp khá xa nên dự kiến đến ngày 27/1 (tức 30 Tết), tàu sửa cáp mới tới được vị trí lỗi. Nhiều khả năng, phải đến ngày 28/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán), tốc độ truy cập internet tại Việt Nam mới trở lại bình thường.
Theo tin tức trên báo Giao thông, ngày 8/1, cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố đầu tiên trong năm 2017. Sự cố này gây mất toàn bộ băng thông Internet từ Việt Nam đi hướng Hong Kong, Singapore và Mỹ.
Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư cũng đưa tin, trước đó, trưa ngày 9/1, VNPT VinaPhone đã xác nhận thông tin về sự cố của tuyến cáp quang AAG và cho biết, nguyên nhân khiến AAG mất liên lạc là do lỗi rò điện. Vị trí lỗi được xác định cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km.
Nhiều khả năng, mùng 1 Tết Nguyên đán Internet mới hoạt động bình thường trở lại. (Ảnh: Giao thông) |
Về sự cố trên tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) là do tuyến cáp này bị đứt vào sáng ngày 10/1/2017 tại một vị trí gần Hong Kong. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến tuyến cáp bị đứt.
Đến chiều tối ngày 10/1/2017, đại diện Viettel cho biết đã xử lý xong sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển Liên Á - IA khiến cho lưu lượng trên tuyến cáp này đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, tuyến cáp AAG vẫn là hướng kết nối chính của nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng nên lượng người dùng bị ảnh hưởng vẫn còn rất lớn.
Ngay sau khi xảy ra sự cố với cáp quang, một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước cho biết nguyên nhân sự cố do rò điện và dự kiến khắc phục xong vào ngày 18/1. Tuy nhiên thông tin cập nhật được đơn vị điều hành AAG gửi đến các ISP thì tới ngày 27/1 tàu sửa cáp mới tiếp cận vị trí lỗi.
[poll3]719[/poll3]
Theo thống kê trên báo VnExpress, trong năm 2016, đã có bốn lần tuyến cáp quang biển AAG gặp trục trặc và phải tiến hành bảo trì, vào các tháng 3, 6, 8 và tháng 9.
Năm 2017, nhiều nhà mạng trong nước sẽ mở rộng các kênh truyền nhằm đảm bảo thông suốt kết nối. Đáng chú ý là tuyến APG (Asia Pacific Gateway) đi vào vận hành, hứa hẹn giúp Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ nhanh gấp đôi so với hiện nay. Ngoài ra còn có tuyến cáp quang AAE-1 (Asia Africa Euro 1), nối các nước châu Á đến châu Âu và châu Phi.
(tổng hợp)