Sáng 25/10, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua không chỉ góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức.
Ông Thưởng cho biết năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, với tổng số 553.181 phòng học. Trong đó, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non với tỉ lệ rất thấp chỉ đạt 47,7%, trong khi ở cấp học TH và THCS, tỉ lệ này lần lượt là 61,6% và 80,5%.
Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Người đưa tin
Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên 628.571 phòng, trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. Cụ thể, tỉ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2%, và THCS đạt 94,9%.
"Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ Nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa", ông Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.
Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học như sau: cấp học mầm non có 56.9% trường, cấp tiểu học có 62,8% trường; cấp trung học cơ sở có 72,3% trường; cấp trung học phổ thông có 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường.
Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9 ha.
Đánh giá cao cái kết quả đạt được, tuy nhiên ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng liên Đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị, thời gian tới cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện các chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp, nhà tài trợ tham gia xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt là liên quan đến vấn đề miễn thuế. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực Nhà nước, cân đối bố trí ngân sách của địa phương để thực hiện kiên cố hóa trường lớp.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
"Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ những lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu hút cơ sở vật chất, điều kiện học tập.
Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, học mượn, nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục đào tạo.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận các tài trợ xây dựng điểm trường của các tổ chức, cá nhân. Ảnh: Người đưa tin
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, vấn đề xóa trường tạm, nhà công vụ tạm cho thầy cô và học sinh, được coi là vấn đề lớn của ngành.
"Cả ngành giáo dục luôn đau đáu việc này. Đây vừa là việc thể hiện trách nhiệm xã hội chung, hướng tới bình đẳng xã hội, bình đẳng giáo dục", Bộ trưởng cho hay.
Ông Sơn đánh giá trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng. Nó cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng đây là việc lớn và lâu dài, không phải là việc phát động phong trào một sớm một chiều.
Với trách nhiệm quản lý Nhà nước trong giáo dục và đào tạo của mình, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.