27 năm trước, cô Đào Thị Minh Thúy tốt nghiệp Khoa Lịch Sử tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau đó, cô chọn ở lại Thủ đô để tiếp tục với nghề gieo chữ. Ngôi trường nội trú - Hữu Nghị T78 là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng bắt đầu sự nghiệp khi cô được đồng hành cùng những lứa học sinh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Cô Đào Thị Minh Thúy, trường Hữu Nghị T78.
Không những là một người thầy mà còn phải là một người mẹ
Những năm đầu, nhà trường tiếp nhận học sinh dân tộc theo mô hình đào tạo Bổ túc văn hóa trình độ cấp 2-3, số lượng học sinh còn ít, độ tuổi của học sinh rất đa dạng, phần lớn là học sinh lớn tuổi đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Những khác biệt về tính cách, văn hóa, độ tuổi, khả năng của học sinh là thách thức không nhỏ đối với cô Thúy và các cán bộ giáo viên nhà trường.
“Khi tôi mới về trường thời điểm đó đối tượng học sinh của trường còn là các em học sinh dân tộc thiểu số đang học cấp 2. Khi các em xuống trường thì còn rất là nhỏ, xa gia đình, có em nhà gần trường thì hơn 200 cây số, em ở xa thì hơn 400 cây. Nhìn các em, tôi vừa thấy thương vừa cảm phục sự dũng cảm để đi học xa nhà khi tuổi còn rất nhỏ”, cô Thúy chia sẻ.
Ngoài giờ lên lớp, cô Thúy còn vào ký túc đôn đốc các em dọn dẹp phòng.
Khi được hỏi về kỷ niệm làm cô thấy xúc động nhất khi công tác tại trường cô bộc bạch: "Có lần, một em học sinh nhìn thấy tôi nhưng cứ nghĩ là mẹ mình, vội chạy ào ra gọi “Mẹ ơi! mẹ ơi!”. Lúc đấy tôi mới có gia đình, khi có một đứa trẻ gọi mình như thế thì rất ngạc nhiên và xúc động. Tôi vòng tay lại, ôm bạn ấy vào lòng thì lúc đó bạn nhận ra không phải là mẹ, mới quay sang xin lỗi và nói “Cô ơi! con nhớ mẹ”. Đó là một nguồn động lực rất lớn đối với tôi, thôi thúc tôi cố gắng và từ đó tôi tự nhủ “ Mình có mặt trong cuộc sống các em không chỉ với cương vị là một người thầy mà còn phải như một người mẹ'".
Sáng ở trường, chiều ở trường, tối cũng ở trường
Với đặc thù là trường Dân tộc nội trú, hầu hết các em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đi lại không thuận tiện, cha mẹ bận mưu sinh thường ít quan tâm đến con em. Bởi vậy, khi vào học tại trường Hữu Nghị T78, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường (nhà trường hỗ trợ mọi kinh phí học tập, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày).
Thương các học trò mới 15-16 tuổi phải sống xa cha mẹ, trong công tác chủ nhiệm, chỉ đạo, cô Thúy luôn sát sao quan tâm, động viên từ việc học tập đến chỗ ăn, ở của các em; đồng thời dành thời gian gần gũi, động viên, hỏi han, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có phương pháp giáo dục tốt nhất.
Công tác chủ nhiệm đối với học sinh nội trú tương đối nặng nề. Giáo viên phải thay bố mẹ chăm sóc các em một cách toàn diện như: Học tập, ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh... nên thường ngày cô Thúy và một số thầy cô chủ nhiệm đều sáng ở trường, chiều ở trường, tối cũng ở trường.
“Ngày xưa con tôi còn nhỏ, tôi buộc phải khóa cửa phòng con lại, nửa đêm 12h chạy lên trường đưa học sinh đi viện. Lúc đấy vừa thương con, vừa thương học trò. Trong đầu tôi nghĩ một điều là con mình thì lát nữa mình về và ở lại với con nhưng với các em học sinh thì không chỉ một bạn cần mình mà là hơn 40 em trong tập thể cần đến mình” Cô Thúy nghẹn ngào kể lại.
Hình ảnh một cô giáo dạy Lịch Sử với mái tóc sờn bạc luôn vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, giáo viên, nhân viên và hàng nghìn thế hệ học sinh.
Trung úy Sùng Mí Say cựu học sinh trường Hữu Nghị T78, hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (Hà Giang) vừa lau nước mắt vừa nhớ về những ngày đầu nhập học: “Cô Thúy như người mẹ sinh ra tôi một lần nữa vậy. Năm lớp 10 tôi vượt hơn 400km từ Hà Giang xuống Hà Nội, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, mọi thứ xa lạ trước mắt khiến tôi có suy nghĩ bỏ học. Nhưng rồi cô Thúy đến, dắt tôi đi nhận lớp, nhận kí túc, nhận chăn màn, lo từng miếng cơm, áo mặc cho tôi...
Năm lớp 11 và 12 dù không chủ nhiệm nữa nhưng cô vẫn đặc biệt quan tâm tới tôi, kèm cặp, giúp đỡ tôi từng chút một để thi Đại học. Nhờ cô mà tôi mà tôi như được tiếp thêm sức mạnh, cố gắng thực hiện ước mơ màu xanh áo lính, phục vụ tổ quốc một cách trọn vẹn nhất khi đỗ vào Học viện Biên phòng”.
Còn đối với Trung úy trẻ Nguyễn Thị Lam, hiện đang công tác tại Công an huyện Quảng Hòa (Cao Bằng): Vì cô Thúy rất quan tâm và yêu quý các bạn nên cô không thể không nghiêm khắc. Bạn nào mà vi phạm nội quy như trốn học, bỏ tiết, để phòng kí túc bẩn hoặc không gấp chăn màn, cô sẽ phạt các bạn đi tưới rau hoặc dọn vệ sinh lớp học để các bạn nhớ và sửa. Còn trên lớp, cô dạy chúng tôi bằng những gì cô có, thường xuyên đổi mới phương thức truyền tải.
“Cô dạy Sử bằng những câu chuyện gắn liền với các cột mốc của môn học. Cô không tạo cảm giác căng thẳng, áp lực cho học sinh mà xen kẽ với các bài học cô đều chia sẻ những câu chuyện vui về các nhân vật lịch sử”, Trung úy Nguyễn Thị Lam chia sẻ.
Trong suốt 27 năm dạy các bạn học sinh dân tộc miền núi từ thế hệ này sang thế hệ khác, khi được hỏi làm thế nào để cân bằng được việc ở trường và gia đình, cô Thúy bùi ngùi chia sẻ: “Đó là sự vất vả của người phụ nữ Việt Nam nói chung và những người làm công tác giáo viên chủ nhiệm nội trú nói riêng. Khi nhìn vào những đôi mắt ngây thơ của các học trò và hành trình vượt bản, vượt núi rừng thậm chí có những em nói tiếng Việt còn chưa rõ để xuống Thủ đô tìm con chữ khi chỉ mới 15 tuổi... Nửa đêm nghĩ về học trò mà nước mắt tôi lại ứa ra. Từ đó tôi có một nguồn động lực mới, mong muốn các em học tập thật giỏi để về xây dựng quê hương”.
Hơn nửa đời người gắn bó với mái trường Hữu Nghị T78, cô giáo Đào Thị Minh Thúy vẫn kiên trì vượt lên những khó khăn thường nhật, thậm chí thức trắng đêm để chăm sóc các cô cậu học trò nhỏ mới chập chững đi học xa nhà, lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân để mang đến những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đất khô cằn, thắp sáng ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số.
Thầy Lê Phú Thắng, hiệu trưởng trường Hữu Nghị T78 chia sẻ: “Cô Thúy là một trong những giáo viên dạy tốt, nhiệt tình, trách nhiệm của trường đồng thời còn là một giáo viên chủ nhiệm trách nhiệm, luôn dành hết tình cảm, sự yêu thương cho học trò. Nên nhiều em học sinh từ thế hệ này qua thế hệ khác đều rất quý và tôn trọng cô, dành tình cảm vô cùng đặc biệt tới cô như một người con đối với bố mẹ”.
Nông Thảo Ly