Ngày 7/4, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đã thông qua lệnh cấm vận đối với than đá nhập từ Nga, cũng như đóng cửa các cảng biển của khối đối với tàu của Nga. Đây là lần đầu tiên châu Âu nhắm mục tiêu trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng của Nga, lĩnh vực mà họ đang phụ thuộc nhiều vào Moscow.
Gói trừng phạt cũng bao gồm lệnh cấm trị giá 10,8 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của EU sang Nga, bao gồm hàng hóa công nghệ cao. Bên cạnh đó là biện pháp đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Sản lượng than của châu Âu đã giảm nhanh hơn mức tiêu thụ trong những năm gần đây - khiến khu vực này ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Nga, để bù đắp sự thiếu hụt. Châu Âu hiện phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 40% lượng than tiêu thụ, tăng từ mức dưới 30% vào đầu thế kỷ này, theo dữ liệu từ BP ("Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới", năm 2021).
Nga cung cấp khoảng 50% lượng than nhập khẩu trong cả năm 2019 và 2020, chiếm hơn 20% tổng lượng tiêu thụ than của khu vực.
Xuất khẩu than từ Nga sang châu Âu là dòng chảy song phương lớn thứ 2 thế giới vào năm 2019 - trước đại dịch, và lớn thứ năm vào năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát ở đỉnh điểm. Xuất khẩu của Nga sang châu Âu chiếm 6-7% thương mại than liên khu vực trong cả 2 năm. Nếu tính cả xuất khẩu của Nga sang Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh chính của Mỹ ở châu Á, thì tỷ trọng sẽ tăng lên 10-11%.
Lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8, 120 ngày sau khi gói trừng phạt được công bố - dự kiến vào ngày 8/4.
Tuy nhiên EU hiện không có kế hoạch đưa ra các biện pháp hạn chế đối với dầu khí từ Nga. Bởi đang có sự chia rẽ trong vấn đề cung cấp năng lượng từ Nga giữa các nước EU, một số muốn ngừng ngay lập tức việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong khi các nước khác lại đưa ra phương án giảm phụ thuộc từng phần.
Phản ứng lại trước làn sóng trừng phạt thứ 5 của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nước này. Tổng thống Putin cho rằng, những biện pháp phi thị trường của châu Âu nhằm lĩnh vực năng lượng của Nga đang khiến quan hệ hai bên trầm trọng hơn, ông đồng thời cảnh báo: "Chúng tôi quan sát thấy nhiều nước phương Tây đang cố gắng đẩy trách nhiệm về những sai lầm của chính họ trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng sang Nga và giải quyết các vấn đề đó theo một cách gây thiệt hại cho Nga. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe các quan chức phương Tây tuyên bố về khả năng quốc hữu hóa một số tài sản của chúng tôi ở nước ngoài. Những điều này sẽ đẩy vấn đề đi quá xa, đừng quên rằng đó là con dao hai lưỡi".
Trước những động thái mới nhất của phương Tây, các chuyên gia thị trường nhận định, với việc ban hành lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga thì EU đã phá vỡ được điều cấm kỵ về năng lượng, nhưng điều này không phải là “tác nhân thay đổi cuộc chơi. Lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga chủ yếu mang tính biểu tượng. Mỗi ngày EU nhập khẩu khoảng 20 triệu euro (21,8 triệu USD) than đá từ Nga so với con số 850 triệu euro (926 triệu USD) mỗi ngày đối với dầu và khí đốt.
Linh Chi (T/h)