Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dùng tập đoàn ảo lừa hàng ngàn người, kẻ giả danh tướng quân đội nhận án chung thân

(DS&PL) -

Tự phong là Thiếu tướng quân đội, Hoa Hữu Long cùng vợ và nhiều trợ thủ đắc lực đã lừa đảo của gần 1.000 người bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 83 tỷ đồng.

Tự phong là Thiếu tướng quân đội, Hoa Hữu Long cùng vợ và nhiều trợ thủ đắc lực đã lừa đảo của gần 1.000 người bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 83 tỷ đồng.

Truy tìm đối tượng T1 bí ẩn

Sau 3 ngày xét xử và nghị án, ngày 20/01, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Hoa Hữu Long (SN 1964, ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 174 BLHS năm 2015.

Vụ án Hoa Hữu Long, kẻ giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt hơn 83 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại từng gây nhức nhối trong dư luận.

Là đồng phạm trợ giúp tích cực cho Long, bị cáo Cao Thị Kim Loan (SN 1970, vợ bị cáo Long) bị tuyên phạt 20 năm tù cùng về tội danh bị truy tố. 12 bị cáo đồng phạm còn lại bị phạt từ 30 tháng tù treo đến 17 năm tù giam cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi đưa ra phán quyết trên, tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào diễn biến phiên tòa cùng toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận: Hoa Hữu Long biết tập đoàn Đông Dương (tổ chức S10) không có thật nhưng bị cáo đã có hành vi gian dối, tự phong là Tư lệnh, thiếu tướng, người đứng đầu tổ chức S10, trực tiếp chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện việc tuyển nhân sự về làm việc cho S10; thu chi phí từ 65 – 110 triệu đồng/01 nhân sự.

Tính đến ngày 29/11/2017, Hoa Hữu Long và các đồng phạm đã thu hồ sơ của 951 nhân sự với tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng.

Bị cáo Hoa Hữu Long được xác định là chủ mưu trong vụ án, cầm đầu, chủ động tạo dựng và tuyên truyền các thông tin không có thật về tập đoàn Đông Dương. Long cũng tự xưng Thiếu tướng quân đội, chuẩn bị trang phục giống quân đội, chỉ đạo trực tiếp cho vợ là bị cáo Loan và 12 đồng phạm tuyển nhân sự cho tập đoàn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo còn lại đều đóng vai trò giúp sức tích cực, nhận thức được tập đoàn Đông Dương là doanh nghiệp không có thật nhưng vẫn đưa thông tin, tài liệu theo chỉ đạo của Long để dụ các bị hại nộp tiền thi tuyển nhân sự và hưởng lợi bất chính.

Các bị cáo tại tòa.

Trước đó, bị cáo Hoa Hữu Long khai: Tập đoàn Đông Dương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 công ty khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của đối tượng tên Đức (T1). Đến nay, tập đoàn Đông Dương vẫn chưa có quyết định thành lập, chưa có con dấu chính thức, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, mới chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập và tuyển nhân sự.

Bị cáo này khai mình là người của Tổng cục II - bộ Quốc phòng và hoạt động theo sự chỉ đạo của người đàn ông tên Đức (biệt danh T1, không rõ lai lịch). Long hoàn toàn tin tưởng Đức và hoạt động theo sự chỉ đạo của các công điện “mật” do Đức đưa.

Long khai: Theo sự chỉ đạo của các công điện “mật”, Long được tổng cục Chính trị bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch tập đoàn S10, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của tập đoàn, có trách nhiệm phát triển nhân sự.

Long giới thiệu Nguyễn Minh Sơn là Phó tư lệnh phụ trách vấn đề về nhân sự, an ninh nội bộ của tập đoàn; Mạc Phúc Hải làm Phó tư lệnh phụ trách đối ngoại và kinh tế của tập đoàn; Cao Thị Kim Loan (vợ Long) làm Phó chính ủy tập đoàn phụ trách các vấn đề về tài chính; Phùng Thị Thanh Huế làm Chánh văn phòng phụ trách các vấn đề văn bản, giấy tờ.

Ngoài ra, còn nhiều đầu mối thu gom tuyển người vào tập đoàn với số tiền phải nộp từ 65 – 70 triệu đồng/01 trường hợp, tùy thuộc vào độ tuổi sẽ được phong quân hàm tương ứng.

Theo chỉ đạo, tất cả những người xin việc vào tập đoàn nộp tiền cho các đầu mối rồi các đầu mối này nộp cho vợ chồng Long – Loan, sau đó Long giao cho đối tượng Đức theo chỉ đạo của công điện mật. Điều đáng nói, các lần giao tiền cho Đức đều không ký biên việc, việc giao tiền chỉ có Long và Đức biết, không có ai chứng kiến.

Nộp tiền để mua... cấp hàm

Các đầu mối nhân sự và các bị hại khai được Hoa Hữu Long, Cao Thị Kim Loan đưa ra các tài liệu phô-tô của bộ Quốc phòng về việc tập đoàn S10 đang cần tuyển nhiều nhân sự cho các vị trí khác nhau, họ chỉ cần nộp một khoản tiền sẽ được vào làm việc, phong cấp hàm,... nên nhân sự tin tưởng nộp hồ sơ và tiền (không có biên nhận).

Thực tế, các bị hại nộp tiền vào nhưng không được bố trí việc làm như Long đã hứa hẹn. Do được phân công phụ trách về tài chính nên số tiền thu được của nhân sự, Long giao cho vợ là Cao Thị Kim Loan thu và quản lý.

Trợ thủ đắc lực cho Hoa Hữu Long, không ai khác chính là vợ bị cáo, Cao Thị Kim Loan. Cặp đôi Long – Loan khai các loại phí thu theo sự chỉ đạo trong các điện công tác, việc thu tiền không có biên nhận.

Loan là người nhận tiền, sau đó hoàn thiện các chứng từ liên quan (đã được soạn thảo sẵn theo hướng dẫn tại các điện công tác), chuyển tiền cho Long để nộp cho đối tượng T1, nhưng không có biên nhận.

Bị cáo Loan khai nhận thức được việc tập đoàn Đông Dương đang trong giai đoạn chờ thành lập, chưa có quyết định thành lập chính thức nhưng vẫn tổ chức tuyển nhân sự và thu tiền của người tham gia là không đúng quy định nhưng do tin tưởng chồng là Hoa Hữu Long nên vẫn thực hiện.

“Bị cáo nhận tiền của người tham gia thông qua các đầu mối, cũng có đầu mối hướng dẫn nhân sự đến nhà nộp tiền cho bị cáo. Sau đó, bị cáo hoàn thiện các chứng từ liên quan theo hướng dẫn tại các điện công tác, chuyển tiền cho Long để Long nộp cho T1. Việc nhận tiền của các đầu mối và nộp tiền cho T1 không có giấy tờ biên nhận, tuy nhiên bị cáo có ghi chép lại các khoản thu, chi để theo dõi”, bị cáo Loan khai nhận.

Tư Viễn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (4)

Tin nổi bật