"Chúng ta không thể nhìn bên ngoài mà đánh giá đúng sai về một dự án BOT vì BOT là chủ trương rất lớn, rất đúng của Đảng và Nhà nước", PGS.TS Nguyễn Quang Toản nhận định.
Câu chuyện về một số dự án BOT trên cả nước xảy ra tình trạng tài xế dùng tiền lẻ với mệnh giá nhỏ để phản đối việc thu phí với lý do trạm thu phí đặt sai vị trí, giá dịch vụ cao khiến dư luận ngày càng trở nên “nóng” hơn.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội thì bản chất những vấn đề xảy ra tại các dự án BOT cần được hiểu rằng, các nhà đầu tư mới là người bị hại. Theo ông cũng có nhà đầu tư được lợi, nhưng đó là những nhà đầu tư rất kém.
“Những nhà đầu tư làm ăn chính đáng, làm được những công trình phục vụ tốt mà không thu phí được thì họ sẽ phải chịu thiệt thòi rất lớn, làm cho công sức họ bỏ ra không được đáp ứng. Sau đó, sẽ dẫn tới nguy cơ thua lỗ, thậm chí là vỡ nợ của nhà đầu tư là rất cao, đây chính là những nhà đầu tư rơi vào tình thế bị hại”, PGS TS. Toản phân tích.
“Chúng ta không thể nhìn bên ngoài mà đánh giá đúng sai về một dự án BOT vì BOT là chủ trương rất lớn, rất đúng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, BOT được thực hiện bởi những cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất cao từ Trung ương đến các bộ, có giám sát của Quốc hội.
Chúng ta hãy ghi nhận những gì mà BOT đã mang lại cho chúng ta để có đánh giá đúng đắn nhất. Phải thừa nhận BOT đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông trở lên tốt hơn, thời gian đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều lần”.
Dẫn chứng BOT Cai Lậy để phân tích, PGS Toản cho biết: “Nhà đầu tư không có quyền gì trong việc lên phương án xây dựng cũng như đặt trạm thu phí. Khi một dự án được đưa ra để kêu gọi đầu tư, cơ quan quản lý phải tính toán chi tiết cụ thể, phương án khả thi ra sao, đặt trạm ở đâu để đảm bảo việc thu hồi vốn. Nhà đầu tư nhìn vào đó thấy khả thi họ mới bỏ tiền ra để làm, ngân hàng mới cho nhà đầu tư vay tiền.
Bản chất sự việc ở đây chính là chủ đầu tư chỉ biết đầu tư tiền, nhân lực, công nghệ để làm đường theo phương án mà cơ quan nhà nước đã có sẵn. Thậm chí, đầu tư rồi những nguồn thu không đáp ứng được thì Nhà nước phải bỏ tiền ra để trả cho họ”.
Chúng ta không thể nói nhà đầu tư đặt trạm sai hay làm sai được, bởi vì họ không vi phạm pháp luật trong việc đầu tư. Rõ ràng, họ đang thực hiện đúng những cam kết và những quy định có sẵn trong hợp đồng BOT.
Người dân tụ tập phản đối tại BOT Cai Lậy. (Ảnh: Zing) |
Cũng liên quan đến vấn đề BOT, ông Nguyễn Xuân Thành – Chuyên gia kinh tế trường đại học Fullbright Việt Nam bày tỏ quan điểm cá nhân rằng, nguyên tắc là hợp đồng đàm phán BOT đều phải công khai vì nó động chạm đến người dân và là chủ trương huy động vốn (cộng lãi suất) để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến xã hội, đến chi phí người dân phải gánh chịu.
Chủ đầu tư nói phải thu như vậy mới đủ bù chi phí, lãi vay nhưng thông tin, căn cứ nào để đưa ra quyết định đó lại không công khai. Theo ông thì phản ứng của người dân tại trạm BOT Cai Lậy là phản ứng khôn khéo.
Theo ông Thành, thực tế khi chào thầu, cơ quan Nhà nước đưa các điều kiện không hấp dẫn, thậm chí khó. Tuy nhiên, khi không có ai tham gia thầu, buộc phải chỉ định lựa chọn nhà đầu tư, thì vấn đề nảy sinh, các nhà đầu tư lập luận lại đòi hỏi quyền lợi.
Hoàng Giang (T/h)