Theo VOV, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; trong đó có phương thức tuyển sinh THPT và tổ chức thi tuyển.
Cụ thể, 2 phương thức tuyển sinh THPT được đưa ra xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển. Với hình thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Hình thức bốc thăm môn thi thứ 3 vào 31/3 hằng năm tạo áp lực cho học sinh lớp 9. Ảnh minh họa
Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bắt thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại.
Lãnh đạo sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở GD&ĐT, thanh tra sở GD&ĐT và thành phần có liên quan khác do sở GD&ĐT mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bắt thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.
Có con đang học lớp 9, chị Trần Quỳnh Dao (Ba Đình, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến dự thảo quy chế tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT.
Phụ huynh này cho rằng, nếu xét tuyển sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, hiện tượng “làm đẹp” học bạ, phụ huynh cũng sẽ chạy đua bằng mọi cách để con em mình được thầy cô quan tâm, ưu ái, điểm số tốt hơn. Khi đó sẽ tạo ra sự thiếu công bằng trong giáo dục.
Ủng hộ phương án thi tuyển, song chị Dao cho rằng, tại các thành phố lớn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vốn đã rất khốc liệt bởi tỷ lệ chọi lớn, số lượng trường công có hạn trong khi nhu cầu học tập của học sinh lại rất lớn. Để giảm bớt áp lực, nên công bố sớm môn thi thứ 3 để học sinh có thời gian chuẩn bị.
“Tôi cho rằng công bố trước 31/3 là quá muộn, học sinh chỉ còn khoảng hơn 2 tháng để chuẩn bị cho môn thi thứ 3. Đến thời điểm đó các con phải học ngày học đêm, áp lực, mệt mỏi, lại thêm tâm lý thấp thỏm không biết sẽ thi vào môn học nào”, chị Dao chia sẻ.
Theo Dân Trí, cô Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thượng - nêu quan điểm: "Phương án thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT tương đồng với phương án thi tốt nghiệp THPT, đó là thi 2 môn bắt buộc toán, văn.
Tuy nhiên điểm khác là các học sinh lớp 12 được lựa chọn 2 môn thi còn lại theo năng lực, sở trường và có sự chuẩn bị từ sớm. Còn học sinh lớp 9 sẽ thi môn thứ 3 theo sự lựa chọn ngẫu nhiên của Sở GD&ĐT.
Phương án này có mặt lợi là khiến các em không được lơ là, chểnh mảng bất kỳ môn học nào, không có môn chính, môn phụ.
Song, ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng phương án thi ổn định 3 môn toán, văn, ngoại ngữ như Hà Nội đã làm liên tục trong 3 năm qua là hợp lý hơn cả.
Bên cạnh đó, với chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường, tiếng Anh nên là môn thi bắt buộc như toán, văn.
Phương án thi 3 môn toán, văn, tiếng Anh cũng đã được chứng minh tính hiệu quả và chất lượng trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại nhiều tỉnh thành".
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp - cho rằng phương án thi văn, toán bắt buộc vào bốc thăm môn thứ 3 có cả ưu điểm lẫn nhược điểm.
"Phương án này sẽ thống nhất được số môn thi trên cả nước, tránh lãng phí nguồn lực con người và kinh phí khi có nơi thi tới 4, 5 môn.
Phương án cũng tránh việc học sinh chỉ học đúng 3 môn và nhà trường chỉ tập trung cao độ dạy đúng 3 môn, khiến cho học sinh không được giáo dục toàn diện. Học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn tới hết chương trình.
Việc bốc thăm môn thứ 3 cũng tránh được những xì xào của dư luận về việc ưu ái môn nọ, môn kia.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là việc bốc thăm và công bố môn thi thứ 3 muộn có thể sẽ tạo áp lực cho một nhóm phụ huynh và học sinh vùng đô thị, nơi mà tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 công cao".
Thầy Tùng cũng nói thêm, nếu được lựa chọn, thầy sẽ chọn thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Việc thi ngoại ngữ vào lớp 10 cũng góp phần nâng dần năng lực ngoại ngữ cho học sinh ở các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
"Ba năm qua, Hà Nội thi 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, học sinh và phụ huynh đều ủng hộ", thầy Tùng khẳng định.
Thực chất số môn thi có thể lớn hơn con số 3. Ảnh minh họa
Hiện nay ngoài môn toán và ngữ văn (bắt buộc) các môn còn lại trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: Ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật, tin học. Vậy môn công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật có tham gia là môn để bốc thăm hay không? Vì đây cũng là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Khi thực hiện bốc thăm, nếu trúng lịch sử và địa lý hoặc khoa học tự nhiên thì số môn thi thực chất không phải là 3 mà có thể là 4 hoặc 5 môn. Ví dụ: toán, ngữ văn, lịch sử và địa lý (toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý); toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên (toán, ngữ văn, lý, hóa, sinh). Như vậy là rất nặng cho học sinh về kiến thức, tăng áp lực thi cử…, theo báo Thanh Niên.
Các sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm 1 trong 8 môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Như vậy học sinh sẽ phải học đều tất các môn để thi là rất nặng. Vì vậy có ý kiến cho rằng môn thi thứ 3 (bốc thăm) nên để cho học sinh tự chọn thì thuận lợi hơn, nhằm phát huy được năng lực phẩm chất từng học sinh theo mục tiêu chương trình 2018 và cũng phù hợp với việc định hướng nghề nghiệp, tiếp cận tương thích chọn tổ hợp môn thi vào học lớp 10, cũng như định hướng thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc toán ngữ văn và 2 môn tự chọn.
Ngoài ra, có thể tính đến giải pháp quy định số lượng môn thi là 2 môn, gồm toán và ngữ văn là đảm bảo yêu cầu mục đích thi tuyển mà không cần phải thêm môn thứ 3, giảm được môn thi, thời gian thi… Trước đây, Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập chỉ với 2 môn là toán và ngữ văn rồi và vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào để tiếp tục học THPT.