Chiều ngày 24/6, Thiếu tướng Phan Anh Minh đã khẳng định: “Không phải mua bán 100 USD mà 1 USD cũng xử phạt 400 triệu đồng…”.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết: “Đừng nên hiểu chấp hành pháp luật là chỉ chấp hành một điều luật mà phải chấp hành cả hệ thống pháp luật. Nếu chỉ đọc nghị định về xử phạt tài chính tiền tệ thì còn phân vân nhưng đọc cả Pháp lệnh Ngoại hối và các nghị định trước đây thì rõ căn cứ. Người thi hành và áp dụng pháp luật phải hiểu và tự giải thích, còn đương sự thắc mắc không phải là chuyện bất thường”.
|
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM. |
Vi phạm nào là đúng?
. Có nhiều ý kiến cho rằng việc thu đổi ngoại tệ của ông Dương Công Kiên (nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai) là hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép. Thế nhưng Công an TP lại xác định đó là hành vi hoạt động ngoại hối trái phép để từ đó đề xuất UBND TP.HCM xử phạt 400 triệu đồng. Căn cứ nào để Công an TP xác định như thế?
+ UBND TP.HCM từng có quyết định xử phạt bị khởi kiện ra tòa hành chính. Bản án tòa và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã phân định rõ có hai hành vi vi phạm khác nhau. Một là hành vi mua bán, thanh toán ngoại tệ trái phép; hai là hành vi hoạt động ngoại hối không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Việc mô tả hành vi như vậy dễ dẫn đến ngộ nhận. Bản thân hành vi mua bán, thanh toán bằng ngoại tệ cũng là hoạt động ngoại hối nhưng hoạt động ngoại hối này khác với hoạt động ngoại hối có tính chất chuyên nghiệp mà bắt buộc phải được cấp phép mới được hoạt động.
Ví dụ tôi có ngoại tệ đem trả tiền cho khách sạn quốc tế, khách sạn đó có giấy phép thanh toán bằng ngoại tệ thì tôi không vi phạm gì cả. Nhưng nếu tôi dùng số ngoại tệ đó thanh toán, mua bán hay đổi lấy tiền đồng ở một tiệm vàng không có chức năng thu đổi ngoại tệ thì tôi đã có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. Trong trường hợp này, tôi có thể bị xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng và bị tịch thu số ngoại tệ giao dịch; còn người thu đổi ngoại tệ mà không có giấy phép thì bị xử phạt hành vi hoạt động ngoại hối trái phép với mức phạt là 400 triệu đồng. Có trường hợp tiệm vàng thu đổi ngoại tệ với số lượng lớn thì xin phạt 400 triệu đồng để khỏi bị xử phạt nhẹ nhưng bị tịch thu ngoại hối. Giả sử ông Kiên thu đổi 50.000 USD thì ông sẽ xin phạt 400 triệu đồng để khỏi bị tịch thu toàn bộ số ngoại tệ trên.
“Chứng cứ không thể cãi gì nữa!”
|
Tiệm vàng Hoàng Mai lúc lực lượng chức năng kiểm tra. |
. Theo Công an TP.HCM thì việc Công an quận Bình Thạnh đề xuất chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét nhà bà Nguyễn Thị Thanh Mai (chủ tiệm vàng Hoàng Mai) là chưa chặt chẽ. Vậy việc khám xét, thu giữ tang vật vi phạm hành chính mà quận đã thực hiện có phù hợp quy định pháp luật hay không, thưa ông?
+ Chính vì không chặt chẽ và có một số vi phạm nên tôi đã yêu cầu Công an quận Bình Thạnh trả toàn bộ số tài sản và không đề nghị xử phạt những vi phạm khác. Đó là qua khám xét, lực lượng chức năng còn phát hiện tiệm vàng Hoàng Mai kinh doanh vàng miếng và không có giấy phép. Tôi yêu cầu không xử phạt vi phạm này. Về nguyên tắc, phải lập biên bản vi phạm hành chính thì mới khám xét hành chính. Công an quận Bình Thạnh chưa lập biên bản hành chính, mới có công tác giám sát phát hiện hành vi thu đổi ngoại tệ đã đề nghị UBND quận Bình Thạnh cho khám xét và làm ghép hai việc cùng lúc. Như vậy những cái gì có sau biên bản khám xét hành chính là những chứng cứ có được bằng thủ tục không đúng pháp luật nên không có căn cứ để xử phạt và số tài sản thu giữ thì phải trả lại hết.
Thế nhưng việc vi phạm hành chính thu đổi ngoại tệ được phát hiện trước khi thi hành lệnh khám xét là có đầy đủ căn cứ. Có người bán ngoại tệ, có nhân chứng đang đứng đợi bán vàng và nhiều nhân chứng khác đến chứng kiến bà Mai và ông Kiên không ký vào biên bản. Thậm chí người bán ngoại tệ đề phòng ngoại tệ thật, giả còn ghi lưu lại trong bóp của ông số sêri 100 USD đó. Chứng cứ như vậy không thể cãi gì nữa!
Thay đổi biên bản để sửa sai
|
Theo Nghị định 95/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. |
. Ngày 24/4, công an quận phát hiện hành vi vi phạm của ông Kiên nhưng tới ngày 19/5 thì công an quận mới lập biên bản vi phạm hành chính. Việc dời thời gian lập biên bản như vậy có bất thường không?
+ Điều đó chứng tỏ thái độ cầu thị của Công an quận Bình Thạnh. Ban đầu, Công an quận Bình Thạnh lập biên bản có hai cái sai. Thứ nhất, biên bản mua bán ngoại tệ trái phép và biên bản này lập sai lỗi vi phạm. Thứ hai, Công an quận Bình Thạnh ghi nhận Công ty Hoàng Mai vi phạm nhưng tôi thấy không chặt bởi vì theo bà Mai thì ông Kiên là nhân viên tự ý làm chứ bà Mai không chỉ đạo. Sau đó quận phải hủy biên bản ghi nhận đối tượng vi phạm là Công ty Hoàng Mai.
Sau đó Công an quận Bình Thạnh mời bà Mai, ông Kiên đến để thông báo lỗi vi phạm là cá nhân ông Kiên và có nhân chứng để lập lại biên bản nhưng ông Kiên vẫn từ chối và bỏ về nên phải sử dụng các nhân chứng khác ký vào biên bản.
Việc thay đổi biên bản là chuyện bình thường chứ không phải bất thường. Tôi ví dụ, một CSGT trình tôi hồ sơ xử phạt lỗi không có giấy phép lái xe nhưng kết quả xác minh là có mà không mang theo thì tôi sẽ đổi lại biên bản khác với lỗi khác.