Theo báo Nhà báo và Công luận, Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong Tờ trình lần này, Chính phủ cho biết để tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), dự thảo Luật sửa đổi sẽ bổ sung các quy định về người có liên quan.
Đề xuất công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp khác.
Cụ thể, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, trong đó để tránh xung đột lợi ích, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định người quản lý, người điều hành của TCTD không được đồng thời là quản lý, người điều hành của TCTD khác, doanh nghiệp khác.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng của TCTD cổ phần.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành TCTD trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo Luật này cũng bổ sung trường hợp Ngân hàng Nhà nước đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) đối với người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ, vi phạm việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN theo quy định,...
Cũng trong Tờ trình này, Chính phủ đề xuất để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Luật các TCTD sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng và người có liên quan.
Việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh, ngược lại giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Bên cạnh đó, nếu xét theo số tuyệt đối thì vốn tín dụng cấp cho một khách hàng tại TCTD tính theo giới hạn cấp tín dụng quy định tại dự thảo Luật hiện nay vẫn còn lớn hơn nhiều so với giới hạn vốn tín dụng được xác định tại thời điểm ban hành Luật các TCTD năm 2010.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần TCTD, trong đó quy định công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính TCTD đó,...
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhiều vấn đề về sở hữu chéo, giới hạn cấp tín dụng, ngân hàng làm đại lý bảo hiểm… được các Đại biểu thảo luận.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo, yêu cầu phải xử lý triệt để.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ, đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương. Đặc biệt phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để mình xác thực được họ là ai và họ có liên quan như thế nào với doanh nghiệp đi vay vốn là những người có liên quan. Trong dự thảo Luật này thì đã quy định với những cổ đông mà nắm giữ trên 1% cổ đông thì phải công bố rất công khai, theo tạp chí Luật sư Việt Nam.
Vân Anh (T/h)