Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở “nuốt” đê biển Tây

(DS&PL) -

Tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

Tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.

Phập phồng lo sạt lở

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 100 điểm bờ sông có nguy cơ sạt lở rất cao. Các điểm này tập trung nhiều trên các tuyến sông Cái Côn, Mái Dầm, Cái Dầu, Ngã Sáu, Nàng Mao…

"Khi tôi bước xuống nhà sau thì thấy nền nhà bị nứt, chưa kịp gọi mọi người dọn đồ đi thì nghe nhiều tiếng nổ ầm ầm. Ngay sau đó, một phần nhà tôi bị chìm dưới lòng sông Nàng Mao. Cảnh tượng đó khiến tôi luôn lo sợ, mất ăn mất ngủ", bà Nguyễn Thị Châu, người dân có nhà thiệt hại nghiêm trọng trong vụ sạt lở xảy ra vào sáng 7/6 tại ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bàng hoàng nhớ lại.

Riêng tại Cà Mau, theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, dông, lốc xoáy, sạt lở đất đã làm sập 59 căn nhà, tốc mái và hư hỏng 197 căn, 1 bến tàu; với tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 2,3 tỷ đồng. Trong số đó, điển hình là vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 23h ngày 14/6, tại khu dân cư ven Kinh Ba, khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển khiến 7 căn nhà của 6 hộ dân bị nước cuốn trôi. Rất may không thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng.

Sóng biển đánh vào tận chân đê đoạn Rạch Dinh, huyện U Minh (Cà Mau).

Sạt lở mất cả rừng phòng hộ

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoài cho biết: Tình trạng sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây, mặc dù trước đây ven biển Tây chỉ có bồi tụ. Từ năm 2007 đến nay, nạn sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, bình quân 15m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Hiện, có khoảng 3.810ha rừng phòng hộ biển Tây bị mất.

Qua khảo sát toàn tuyến cho thấy diễn biến sạt lở ở mức nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng, phá vỡ đê và ảnh hưởng rất lớn đến khu dân cư tập trung, với chiều dài hơn 40km sạt lở ở mức nghiêm trọng (trong đó có 4 đoạn sạt lở ở mức đặc biệt nghiêm trọng, tổng chiều dài gần 17km).

Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Đê điều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, tại ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời vừa xảy ra một sạt lở bờ biển nghiêm trọng, khiến hơn 120m bờ biển bị sóng cuốn trôi.

Tại 4 điểm sạt lở có chiều sâu khoảng 40m, cách chân đê biển Tây khoảng 15m, cần có giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, gần đây do ảnh hưởng của gió lớn, sóng biển đánh vào bờ mạnh khiến một số tuyến đê biển Tây bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tại đoạn đê vàm cống Rạch Dinh, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, với chiều dài khoảng 2km, hiện sóng biển đã cuốn trôi nhiều lớp kè, hai bên vàm cống Rạch Dinh khoảng 100m bị lở tới thân đê. Đoạn Vàm Cống Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, giáp với tỉnh Kiên Giang) bị sạt lở khoảng 100m; vàm Kinh Mới (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng ở hai bờ bắc - nam, mỗi bên khoảng 100m...

Trước tình trạng sạt lở có xu hướng ngày càng tăng, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ NNPTNT trích hàng trăm tỷ đồng từ quỹ dự phòng thiên tai hỗ trợ cho Hậu Giang xây dựng bờ kè ở tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung 6 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2. Còn An Giang yêu cầu xây dựng thêm 19 cụm, tuyến dân cư để bố trí cho 6.000 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm chưa có nơi di dời. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhiều công trình chống sạt lở, nhằm bảo vệ lâu dài đời sống cho người dân.

Tin nổi bật