Ngày 13/2, thông tin về tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT cho biết, hiện nay việc xác định nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Bộ GTVT cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo chủ trương được Quốc hội thông qua, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng là cơ quan chủ quản tổ chức triển khai đầu tư dự án, bảo đảm tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay Dự án mới xác định được nguồn khoảng 23 triệu m3/tổng nhu cầu của Dự án khoảng 29 triệu m3. Ảnh minh hoạ
Ngay sau khi Nghị quyết số 60/2022/QH15 được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, các địa phương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu huy động tối đa vật tư, nhân lực, thiết bị để triển khai Dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Theo Bộ GTVT, với vai trò Bộ quản lý chuyên ngành, thời gian qua Bộ này đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, sự nỗ lực của các địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu, đến nay Dự án đã đạt được một số kết quả nhất định (công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đạt 99%, khối lượng thi công đạt khoảng 30%...).
Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nền đường (đến nay mới xác định được nguồn khoảng 23 triệu m3/tổng nhu cầu của Dự án khoảng 29 triệu m3). Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh thủ tục cấp phép mỏ và rà soát bổ sung nguồn cát còn thiếu, đồng thời xem xét phương án sử dụng cát biển trên địa phận tỉnh Sóc Trăng để đắp nền đường.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công bù đắp các hạng mục công việc còn chậm để đáp ứng tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của Chính phủ, sớm hoàn thành, đưa Dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm áp lực lưu lượng phương tiện giao thông di chuyển trên Quốc lộ 91.