Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Độc đáo "Tết thuyền" của ngư dân Quảng Ngãi

(DS&PL) -

(ĐSPL) -Hàng năm, cứ vào cuối tháng Chạp, ngư dân Lý Sơn lại tổ chức lễ "Tết thuyền" để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân "người bạn" của mình.

(ĐSPL) -Hàng năm, cứ vào cuối tháng Chạp, ngư dân Lý Sơn lại tổ chức lễ "Tết thuyền" để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân "người bạn" của mình.

Biển cả bao la đã ban tặng cho ngư dân nhiều báu vật. Nhưng biển cả cũng nguy hiểm vô cùng. Ngư dân chỉ biết đặt niềm tin vào "cá ông" và "thần thuyền" những người sẽ bảo vệ họ trước sóng to gió lớn. Đối với ngư dân Lý Sơn, thuyền không chỉ là phương tiện mưu sinh, mà còn là "người bạn", một "vị thần" cùng họ đạp sóng ra khơi.

Tàu thuyền trở về sau những ngày mưu sinh.

Tri ân "người bạn" cùng đạp sóng ra khơi

Để tìm hiểu về xuất xứ của tục lệ này chúng tôi được người dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), giới thiệu đến ông Phạm Ca (82 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) từng là Vạn trưởng của thôn Đông và là người am hiểu về lễ hội của ngư dân Lý Sơn. Theo một số lão ngư ở Lý Sơn, Vạn trưởng một làng chài là người đứng đầu, quản lý đội thuyền của thôn. Người Vạn trưởng sẽ lo liệu các lễ cúng của đội thuyền. Người được chọn làm Vạn trưởng phải là một ngư dân đi biển lâu năm, là một người có uy tín trong thôn.

Giặt giũ và phơi lưới kết thúc một năm đi biển.

Theo lời kể của ông Ca, "Tết thuyền" là một phong tục có từ bao đời nay. Trước kia ngư dân ở đảo Lý Sơn đi biển, năm nào cũng có nhiều người gặp nạn bỏ mạng giữa biển khơi. Người nào may mắn về đất liền cũng bị thương tích. Đau lòng trước cảnh đó, một vị Vạn trưởng thắp hương trong lăng thờ "cá ông" (PV-cá voi) khẩn cầu "cá ông" hiến kế để ngư dân tránh được tai ương.

Quả nhiên đêm đó, "cá ông" hiện về và bày cách cho vị Vạn trưởng này: "Trước nay ngư dân đi biển chỉ làm lễ hội cúng tạ ơn, ta đã che chở bảo vệ, mà không cảm ơn tàu thuyền "người bạn" cùng ngư dân vượt sóng dữ để mưu sinh nên "thần thuyền" tức giận. Các ngươi hãy làm theo lời ta, vào dịp cuối hãy làm cái lễ tạ ơn "thần thuyền" để mỗi chuyến ra khơi người sẽ bảo vệ ngư dân tránh sóng to, gió lớn".

Từ đó, cứ vào dịp cuối năm và đầu năm ngư dân Lý Sơn lại tổ chức cúng thuyền để tạ ơn "người bạn" của mình, để cầu "thần thuyền" bảo vệ và che chở họ trong mỗi chuyến ra khơi.""Tết thuyền" mang ý nghĩa về tâm linh, ngư dân Lý Sơn chúng tôi tin tưởng rằng nếu làm như thế "thần thuyền" sẽ bảo vệ họ khỏi sóng dữ, tai ương. Làm việc giữa biển khơi không biết sống chết ngày nào nên đây cũng là niềm tin để ngư dân vững vàng trong mỗi chuyến ra khơi", ông Ca nói.

Lão ngư Võ Văn Minh (70 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Vinh) cho biết: “Tết thuyền" được chia làm 3 phần: Phần một được tổ chức vào các ngày từ đầu tháng Chạp đến 20 tháng Chạp được gọi là tất niên thuyền, tạ ơn thuyền sau một năm chịu bao sóng dữ vươn khơi mưu sinh cùng ngư dân. Phần hai được gọi là cúng thuyền diễn ra vào sáng 30 Tết đến hết ngày mùng 2 Tết.

Lão ngư Phạm Ca nói về phong tục của quê mình. 

Ngoài "Tết thuyền" của gia đình chủ tàu tổ chức thì thời gian gần đây từng thôn biển ở Lý Sơn cùng nhau tổ chức một lễ tất niên thuyền thôn. Lễ này được tổ chức sau cùng, khi từng chủ thuyền đã tất niên xong. Nhưng từ đầu tháng 11, Vạn trưởng cùng các lão ngư trong thôn đã bàn bạc với nhau chọn ngày đẹp để làm lễ và bàn tính con vật làm lễ phù hợp với năm nay.

Làm lễ và thay cờ mới...

Tháng Chạp, kết thúc một năm đi biển tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn từ các ngư trường cập bến. Họ sẽ làm vệ sinh tàu thuyền sạch sẽ, mang ngư lưới cụ về nhà giặt giũ. Khi lưới đã khô ráo, họ vá lưới, sửa chữa và sơn mới tàu thuyền. Sau đó, gia đình thuyền trưởng sẽ chọn ngày đẹp nhất sắm mâm lễ và tiến hành cúng tất niên thuyền.

Hàng năm cứ đến giữa tháng Chạp, thuyền trưởng Nguyễn Dương (xóm Đông, thôn An Hải) lại cho thuyền về đảo cùng vợ lo sửa soạn mâm cỗ để tất niên thuyền. Mâm lễ vật không thể thiếu: Gà luộc, bánh tét, bánh tráng, trái cây, rượu cùng đĩa gạo, muối, chén đũa, trầu cau, nhang đèn, vàng mã. Ngoài số lễ vật cố định thì còn có lễ vật mà thuyền trưởng đã hứa từ năm trước, lễ vật này thường là con heo quay hay một con bê thui...

Khi mâm lễ vật đã có thuyền trưởng cùng với các bạn thuyền thành kính khấn vái: "Chúng con xin kính cẩn dâng cúng thủy thần, cô, cậu... (PV- cô, cậu là những vong linh phù hộ người đi biển năm) cầu cho mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, tôm cá đầy khoang. Xin cảm ơn “thuyền” đã cùng con vượt qua sóng gió ra biển vào bờ an toàn, cảm ơn "thần thuyền" đã che chở bảo vệ cho chúng con... Sau lời cầu khẩn, thuyền trưởng phải rắc gạo và muối, nghiêng chén đổ rượu và vàng mã xuống nước và lên khắp sàn thuyền để mời "thần thuyền" chung vui cùng mình”, thuyền trưởng Dương cho biết.

Lễ xuất thuyền đầu năm của ngư dân Lý Sơn

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Đây là phong tục có từ lâu đời của ngư dân ở vùng biển Lý Sơn. Bên cạnh "Tết thuyền" thì ngư dân ở đây còn có lễ hội xuất thuyền đầu năm hay còn gọi là lễ mở khẩu. Hằng năm vào ngày mùng 2 Tết, ngư dân ở làng chài này sẽ tổ chức lễ hội xuất thuyền đầu năm để lấy may mắn cho chuyến đi biển cả năm. Trong lễ hội còn có biểu diễn thuyền, hát múa sắc bùa trong lễ mở khẩu”.

Sau lễ cúng, gia đình của thuyền trưởng, thuyền viên sẽ cùng nhau quây quần ăn uống. Kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn sau một năm ra khơi. Đây còn là dịp để chủ thuyền cảm ơn các thuyền viên đã đồng hành cùng mình trong những chuyến ra khơi. "Tất niên thuyền được tổ chức rất lớn, ăn uống linh đình. Ngư dân chúng tôi quanh năm ở ngoài biển nên chỉ có tất niên thuyền vừa là tạ ơn thuyền vừa là dịp để ngư dân nghỉ ngơi và vui chơi", ngư dân Từ Văn Thành (ngụ thôn Đông) chia sẻ.

Đến ngày tất niên thuyền thôn, tất cả các thuyền trong thôn phải tập họp lại, thuyền của Vạn trưởng sẽ được đặt ở giữa. Buổi lễ tất niên thuyền được tổ chức vào buổi sáng, mâm lễ vẫn là gà, rượu, bánh, vàng mã... và tùy theo mỗi năm mà sẽ có thêm con vật để làm lễ có thể là heo quay hay bê thui... Tại lễ cúng, Vạn trưởng sẽ mặc áo dài khăn đóng làm chủ lễ, các chủ tàu và bạn thuyền sắp xếp thẳng hàng cùng khấn vái cầu cho cả thôn sang năm khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau buổi lễ, Vạn trưởng mang rượu đổ vào từng thuyền và khấn vái.

Đến sáng ngày 30 Tết, gia đình các thuyền trưởng sẽ mang một con gà, bánh, trái cây, rượu và một chậu hoa cúc hay vạn thọ... ra thuyền để cúng. Làm lễ xong chậu hoa được đặt ở mũi thuyền, một bàn gồm trái cây, bánh kẹo và lư hương, có khi còn có thêm mấy lon bia sẽ được đặt gần đó. Từ đêm giao thừa đến hết ngày mùng 2 chủ tàu phải thường xuyên ra đây để thắp hương. "Sáng 30 Tết, chúng tôi còn trịnh trọng treo hai lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và trên mui thuyền. Cờ Tổ quốc là biểu tượng linh thiêng không thể thiếu trên mỗi tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Cờ tung bay trong gió như thêm ý chí cho mình vững tâm ra khơi”, ngư dân Võ Tâm cho biết.

Dù khó khăn, bận rộn, nhưng ngư dân ở đây luôn thành tâm sắm sửa lễ vật để "Tết thuyền". Người giàu thì heo, bò,... người nghèo thì cũng cố sắm sửa mâm lễ con gà, bánh, rượu... Vì thuyền không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là người bạn của ngư dân. "Tết thuyền" được xem là hành động đáp nghĩa của ngư dân Lý Sơn đối với người bạn đã cùng họ vượt qua sóng gió để đánh bắt cá, tôm. Không năm nào, họ bỏ qua ngày tết này.    

Tin nổi bật