Người Hà Nhì ở xã Y Tý cúng Thần Nước tại nguồn nước chung của thôn.
Theo phong tục cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, Tết Gạ Ma O bắt đầu từ ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng tại tất cả các thôn, bản có người Hà Nhì sinh sống. Năm nay, Tết Gạ Ma O bắt đầu từ ngày 4/2/2025, tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Trước khi tổ chức tết Gạ Ma O, các thôn, bản của người Hà Nhì đều làm lễ căng dây cấm bản, với quan niệm ngăn chặn những điều xấu, điều không may mắn, ma quỷ xâm nhập vào thôn, giữ cho thôn luôn bình an.
Đồng bào dân tộc Hà Nhì dâng lễ cầu cho một năm tròn đầy, ấm no, bình an đến mọi nhà.
Tết “Gạ Ma O” thường tổ chức sau lễ cúng rừng “Gạ Ma Do”. Lễ cúng Thần Rừng diễn ra tại khu rừng cấm của các thôn, bản người Hà Nhì với quan niệm tạ ơn và cầu mong Thần Rừng phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong những ngày này, mọi người thường không tham gia lao động sản xuất, chỉ ở nhà thờ cúng gia tiên, vui xuân quây quần đầm ấm bên con cháu. Sang ngày thứ hai, từ sáng sớm tại các thôn bản, mỗi gia đình chuẩn bị một một mâm cơm mang đến sân nhà thầy cúng hoặc trưởng thôn để làm Tết Thiếu nhi.
Đàn ông đại diện các nhà quây quần bên mâm cỗ chúc phúc những điều tốt lành cho năm mới, còn phụ nữ và trẻ em sẽ thưởng thức cỗ bên bếp lửa.
Sau lễ cấm bản, đồng bào Hà Nhì cùng nhau vệ sinh nguồn nước và làm lễ cúng Thần Nước tại nguồn nước chung của thôn, tiếp đó là lễ cúng Thần Rừng tại khu rừng cấm. Lễ vật gồm có thịt lợn, thịt gà, rượu, chè gừng… được dâng lên Thần Nước, Thần Rừng, cầu mong các vị thần linh phù hộ cho năm mới thôn bản luôn bình yên, mọi người mạnh khỏe, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Lễ cúng Thần Nước, Thần Rừng cũng thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng của cộng đồng người Hà Nhì, giữ cho những dòng suối chảy mãi, những cánh rừng mãi xanh tốt.
Phụ nữ Hà Nhì nhuộm trứng làm quà cho trẻ em trong ngày tết Thiếu nhi.
Đặc biệt, trong Tết Gạ Ma O của người Hà Nhì còn có Tết Thiếu nhi (Dứ Dò Dò). Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm lễ vật gồm rượu, hoa tươi và 8 - 10 món ăn, (mâm của thầy cúng có 12 món ăn) được chế biến từ các nông sản của gia đình sản xuất được, tập trung tại nhà trưởng bản để làm lễ, cầu cho năm mới trẻ em trong thôn luôn mạnh khỏe, học hành tiến bộ. Dịp này, phụ nữ Hà Nhì thường nhuộm những quả trứng nhiều màu sắc sặc sỡ làm quà cho trẻ em.
Các trò chơi dân gian được tổ chức tại các thôn, bản trong Tết Gạ Ma O.
Tết Gạ Ma O nói chung và Tết Thiếu nhi nói riêng của người Hà Nhì mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, không những là dịp gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, còn thể hiện sự gắn kết của cộng đồng, với ước nguyện của bà con có cuộc sống no ấm, an lành, hạnh phúc và con cháu luôn mạnh khoẻ, ngoan ngoãn.