Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN.
Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Ngay những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ. Theo đó, NHNN đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng TCTD và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng; 2 lần giảm lãi suất điều hành; kích hoạt gói 120.000 tỷ; ban hành chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ; phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng CP để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, trong đó có việc ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN...
Bên cạnh các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai, ngày 23/4, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư được triển khai từ ngày 24/4/2023 đến cho đến hết ngày 30/6/2024.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Thông tư 02 quy định đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ được triển khai nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu các rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, bà Thu Giang khuyến cáo các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Về phía các TCTD, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MB cho rằng, Thông tư 02 đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. TCTD cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank đánh giá Thông tư 02 ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển.
"Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực hiện Thông tư 01, 03, các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn COVID-19, hiện tại dư nợ của các khách hàng đã trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp phục hồi ổn định. Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân", ông Thắng kỳ vọng.
Vân Anh