Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định EVFTA trong năm 2022

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Ví EVFTA như “đường cao tốc”, doanh nghiệp Việt Nam xác định đã đi trên cao tốc thì không thể đi phương tiện thô sơ, hàng hoá vì thế càng phải đảm bảo chất lượng.

Mới đây, trao đổi với ĐS&PL bên lề diễn đàn thương mại Việt Nam - EU “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, đại diện của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao vai trò của Hiệp định EVFTA trong việc giúp họ có được những ưu đãi đặc biệt, bên cạnh việc tiếp cận được với các đối tác mới tại thị trường châu Âu.

Dù có lợi thế từ các FTA khi vào thị trường EU nhưng do nhiều vấn đề liên quan đến logistics khiến DN Việt khó có thể cạnh tranh.

Mở cơ hội tiếp cận với bạn hàng châu Âu

Ông Nguyễn Xuân Thắng - CEO Công ty Schaeffler Việt Nam chia sẻ, công ty là một nhà máy của Tập đoàn Schaeffle (Đức) chuyên sản xuất vòng bi với danh mục sản phẩm vòng bi công nghiệp. Khoảng 70 - 80% đơn hàng của công ty xuất khẩu sang thị trường châu Âu, cung ứng cho thị trường trong nước 5%, còn lại xuất khẩu sang châu Mỹ.

Kể từ khi Hiệp định EVFTA được thực thi, các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu của công ty khi áp dụng được hưởng ưu đãi thuế quan gần như bằng 0% và từ châu Âu về Việt Nam cũng tương đương. Chia sẻ về những kết quả kinh doanh từ sau khi có EVFTA, ông Thắng cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Ngoài những giá trị thông thường về thương mại, EVFTA còn giúp cho công ty các định hướng lâu dài khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ví dụ như đầu tư nội địa hoá nguồn cung ứng, đầu tư con người, mở rộng sản xuất, ứng dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất”, ông Thắng nói.

Nói về triển vọng trong cuối năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát và kế hoạch năm 2022, vị CEO Schaeffler Việt Nam cho hay, khi dịch bùng phát tại phía Nam, năng lực sản xuất của công ty trong ba tháng 7, 8, 9 bị giảm đáng kể, việc áp dụng “3 tại chỗ” khiến doanh thu sụt giảm.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tình dịch hình đã được kiểm soát, Schaeffler Việt Nam kỳ vọng 3 tháng cuối năm 2021 có thể tăng công suất lên tối đa và kế hoạch mục tiêu kinh doanh cả năm vẫn có thể đạt được.

“Nói về triển vọng của năm 2022, chúng tôi nhận thấy rất sáng, bởi đơn hàng đã có sẵn ở nhiều thị trường khác nhau. Rất may nhiều bạn hàng sẵn sàng chờ đợi chúng tôi vì dịch Covid, họ chấp nhận việc dời ngày giao hàng. Dự kiến trong năm sau, kế hoạch kinh doanh sẽ tăng 30% so với năm 2021”, vị CEO Schaeffler Việt Nam chia sẻ và cho biết, việc đầu tư tại Việt Nam được Tập đoàn xác định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vào năm tới.

Ông Nguyễn Quang Hải - CEO Công ty Cổ phần Chuỗi cung ứng quốc tế, Tập đoàn TH cho biết, trước khi EVFTA có hiệu lực, Tập đoàn TH kỳ vọng tiếp cận được với những thị trường nhập khẩu cung cấp sản phẩm trong ngành nông nghiệp trong khối EU.

Bởi theo ông Hải, EU là thị trường có lịch sử lâu đời về ngành chăn nuôi, tập trung hầu hết các công ty lớn hàng đầu về khoa học kỹ thuật trong ngành.

“Trước đây, điều kiện để tiếp cận thị trường cũng như nhập khẩu hàng hoá máy móc, thiết bị, hàng nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn TH từ thị trường châu Âu không hề đơn giản. Sau khi EVFTA có hiệu lực, lượng hàng hoá nhập khẩu từ châu Âu của Tập đoàn tăng lên khá lớn, đặc biệt về những mặt hàng phục vụ cho ngành nông nghiệp”, ông Hải nói và kỳ vọng EVFTA tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong những năm tới.

Nói về những rào cản còn tồn tại, ông Hải cho biết, khi rào cản về thuế quan được gỡ bỏ, doanh nghiệp được hưởng tối ưu mức ưu đãi nhưng vẫn còn tồn tại nhưng rào cản về kỹ thuật. Bộ Công Thương là đầu mối làm việc với châu Âu trong Hiệp định này, nhưng rào cản kỹ thuật lại bị đặt ra bởi những bộ ngành khác.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Hải cho hay, khi Tập đoàn TH nhập khẩu mặt hàng cỏ về để sử dụng trong chăn nuôi bò sữa, mặt dù thuế nhập khẩu về là bằng 0. Tuy nhiên, quy định là bắt buộc phải có hiệp định trao đổi về kiểm định thực vật thì mới nhập được về Việt Nam, mà điều này lại phụ thuộc vào phía Bộ Nông nghiệp. Vì vậy, để đạt được thoả thuận hai bên giữa TH và đối tác thì mất rất nhiều thời gian.

“Nếu một mình doanh nghiệp đứng ra để xoay xở việc này thì hoàn toàn bất khả thi. Vì vậy, chúng tôi mong Bộ Công Thương trở thành đầu mối để liên kết các bộ ban ngành liên quan và dỡ bỏ những rào cản thương mại đúng theo tinh thần của Hiệp định EVFTA”, ông Hải kiến nghị.

Còn nhiều quan ngại về chi phí logistics

Trao đổi với ĐS&PL, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam còn chần chừ khi vào thị trường EU một phần do EU là thị trường khó tính, quy định chặt chẽ về chất lượng hàng hoá, muốn vào lâu dài lại càng khó hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn bị hạn chế bởi sức cạnh tranh. Dù có lợi thế từ các FTA khi vào thị trường EU hay các thị trường khác, nhưng do nhiều vấn đề về chi phí vận chuyển, kho bãi khiến cho giá cả của Việt Nam bị đội lên, khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp đến từ nước khác.

Đại diện các doanh nghiệp cũng thừa nhận chi phí logis- tics tăng cao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến giá cả của sản phẩm xuất, nhập khẩu.

Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn TH, thời điểm dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam giá cả trên thị trường không bị biến động, tương đối ổn định và không chịu tác động nhiều từ dịch bệnh.

Tuy nhiên vấn đề về vận chuyển lại rất khó khăn, giá thành vận chuyển từ châu Âu rất cao, gấp 3 - 4 lần, cao hơn cả thị trường nhập từ Mỹ. Điều này tác động rất lớn đến chi phí sản xuất của công ty.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết, với EVFTA, Hapro đã được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường của EU.

“Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động đến dịch vụ vận tải, khiến loại cước này tăng cao. Cụ thể, khi xuất hàng đi thị trường châu Âu, chúng tôi thường thuê giá cước container khoảng 750 - 800USD/container, nhưng ở thời điểm này, giá thành thuê đã đội lên 10.000 - 12.000 USD/container”, ông Tuấn nói.

Cước vận tải tăng cao, càng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là bối cảnh dịch lan rộng, phức tạp. “Có những thời điểm, lô hàng của chúng tôi nhập về, hàng về đến Singapore hay Malaysia chờ chuyển tải về Việt Nam phải nằm lại cả tháng trời vì không kết nối được với phía đơn vị tàu biển”, ông chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện, ông Tuấn ví von Hiệp định EVFTA như “đường cao tốc” cho doanh nghiệp Việt Nam đến với thường châu Âu. Ông nói rằng, cách ví von đấy cho thấy có sự thuận lợi, tuy nhiên sự thuận lợi không phải cho tất cả doanh nghiệp hay tất cả hàng hoá.

“Vì vậy, doanh nghiệp phải có một hành trang chuẩn bị. Đã đi trên cao tốc thì không thể đi phương tiện thô sơ, vì thế hàng hoá của chúng ta cũng phải đảm bảo chất lượng để thâm nhập vào thị trường EU - một thị trường rất khó tính”, Phó Tổng Giám đốc Hapro nói.

Nguyễn Thu Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2(175)

Tin nổi bật