Ngày 23/9, PGS.TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Đơn vị điều trị COVID-19, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công một bệnh nhi mắc COVID-19 có diễn biến nặng.
Theo đó, bệnh nhi là bé trai 13 tuổi, 48 kg, tiền sử khỏe mạnh, không bệnh nền. Trong 4 ngày đầu sau khi có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, em sốt nhẹ, ho khan. Sau đó, trẻ hết sốt nhưng ho nhiều, tức ngực, khó thở nên được đưa đến bệnh viện.
Sau khi được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ khoa Cấp cứu ghi nhận nhịp thở của bệnh nhi là 26-28 lần/phút, chỉ số này không quá nhanh so với trẻ 13 tuổi. Chỉ số SpO2 là 92%, đây là biểu hiện cho thấy tình trạng bé diễn biến nặng.
Hình chụp X-quang của bé trai 13 tuổi mắc COVID-19 lúc nhập viện, phổi tổn thương nặng.
Theo các bác sĩ, dù triệu chứng bệnh không quá rầm rộ, kết quả X-quang khiến các y bác sĩ bất ngờ bởi phổi bé bị tổn thương nặng. Ngoài ra, các kết quả xét nghiệm cho thấy phản ứng viêm tăng cao, rối loạn đông máu.
Bệnh nhi nhanh chóng được điều trị theo phác đồ viêm phổi nặng của COVID-19, hỗ trợ hô hấp, kháng sinh, steroid và thuốc chống đông.
Kết quả, sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện tốt, hết khó thở, giảm ho nhưng tổn thương phổi trên X-quang cải thiện chậm, SpO2 còn thấp (93-94%).
Sau 17 ngày điều trị theo phác đồ đồng thời theo dõi sát triệu chứng và oxy máu, bé trai khỏi bệnh hoàn toàn, tổn thương phổi cải thiện đáng kể, xét nghiệm rRT-PCR cho kết quả âm tính.
Sau 17 ngày điều trị, tình trạng tổn thương phổi cải thiện của trẻ được cải thiện.
PGS.TS Phùng Nguyễn Thế Nguyên nhận định, cho đến nay, trẻ em mắc SARS CoV-2 phần lớn không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, tình trạng nặng vẫn có thể gặp ở trẻ em ngay cả khi không có yếu tố nguy cơ.
Theo thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 15.000 trẻ mắc COVID-19, trong đó có hơn 3.000 trẻ đang được điều trị, chăm sóc tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyên, đối với những trẻ mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu: khó thở, than mệt, gắng sức kém, vã mồ hôi nhiều, nói từng từ, từng câu ngắn, thở nhanh, gắng sức, nhịp tim nhanh hay SpO2 < 93% là phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc thậm chí liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Những trường hợp này không thể điều trị tại nhà mà cần có sự can thiệp cấp cứu của nhân viên y tế.
Thủy Tiên (T/h)