Cung đấu từ trước tới này vẫn luôn là một “đặc sản” của phim Trung Quốc, thu hút và dẫn dắt người xem qua từng tình tiết gay cấn cùng những màn đấu đá đầy mưu mô.
Thâm Cung Nội chiến
Đây là bộ phim khởi đầu cho thời kỳ đỉnh cao của dòng phim cung đấu Trung Quốc. Phim có tên gốc là “Kim Chi Dục Nghiệt”, ám chỉ những người phụ nữ cao quý bị bó buộc giữa những âm mưu và dục vọng chốn hoàng cung. Họ vốn là những cô nương trong sáng, đáng yêu nhưng khi bước vào phía trong Tử Cấm Thành, để tồn tại và leo lên cao, họ dần đánh mất bản thân mình.
Phim lấy bối cảnh ở Tử Cấm Thành, thời nhà Thanh, vua Gia Khánh năm thứ 15. Theo thông lệ, cứ ba năm một lần, triều đình sẽ tổ chức tuyển tú nữ vào làm phi tần cho nhà vua. Các mỹ nhân tham gia phải trải qua cuộc tuyển chọn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vì không muốn bị người khác ức hiếp nên họ luôn mưu tính để trở thành phi tần quyền lực.
4 mỹ nhân xinh đẹp Nhĩ Thuần, Ngọc Doanh, Như Nguyệt và An Xuyến trong "Thâm cung nội chiến" phiên bản 2004. |
“Thâm cung nội chiến” xoay quanh cuộc chiến khốc liệt tranh giành sự sủng ái của hoàng đế giữa Đổng Giai Nhĩ Thuần (Xa Thi Mạn), Hồng Giai Ngọc Doanh (Lê Tư), Như Nguyệt (Đặng Tụy Văn) và cô cô An Xuyến (Trường Khả Di).
Đỉnh điểm của cuộc tranh đấu là khi An Xuyến đang đắc sủng thì Nhĩ Thuần và Ngọc Doanh đều có thai, trong khi Như Nguyên dành được ân sủng của vua Gia Khánh. Vậy nhưng, sau một đời tranh giành, không từ mọi thủ đoạn để hãm hại nhau vì một người đàn ông, cuối cùng, thứ họ nhận lại chỉ toàn cay đắng, đau đớn và cô đơn.
Phim lên sóng vào năm 2004, gồm 30 tập, và đươc coi là bộ phim đầu tiên xuất sắc nhất thế giới về cung đấu thời phong kiến Trung Quốc. Cho tới nay, chưa có bộ phim nào có thể thay thế được “Thâm cung nội chiến” phiên bản 2004 trong lòng khán giả.
Cung tâm kế
Ra mắt vào năm 2009, “Cung tâm kế” nhanh chóng nối bước “Thâm cung nội chiến”, trở thành bộ phim cung đấu “làm mưa làm gió” trên màn ảnh của đài TVB cũng như nhiều nước khác trong khu vực châu Á. Đây cũng chính là bộ phim có nhiều Thị Hậu, Thị Đế Hoa ngữ tham gia nhất.
Lấy bối cảnh vào những năm cuối nhà Đường, bộ phim kể lại câu chuyện về một cung nữ mang tên Lưu Tam Hảo (Xa Thi Mạn) cùng người tỷ muội tốt tên Diêu Kim Linh (Dương Di) và những mối quan hệ, những tranh đấu phức tạp chốn hậu cung.
"Cung tâm kế" là bộ phim xoay quanh cuộc đời của cặp tỷ muội Lưu Tam Hảo và Diêu Kim Linh nơi hoàng cung đầy cạm bẫy. |
Lưu Tam Hảo và Diêu Kim Linh vốn lớn lên cùng nhau, sau đó lại cùng được đưa vào cung làm cung nữ. Nếu Tâm Hảo gây ấn tượng nhờ sự hiền lành, thiện tâm, thường nói những lời hay, làm việc tốt, Kim Linh lại khiến người xem “rùng mình” trước lòng dạ độc ác, thâm hiểm, và không từ thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.
Cuối cùng, Tam Hảo nên đôi với Cao Hiển Dương (Trịnh Gia Dĩnh) - một quan trong cung điện và cũng là một giáo viên cờ vua, sau đó trợ giúp hoàng tử Lý Di (Trần Hào) lên ngôi. Trong khi đó, Kim Linh nhận ra để bảo vệ được chính mình và tồn tại ở chốn thâm cung, cô phải có được quyền lực và sự tôn trọng.
Vì thế, Kim Linh cố gắng giành được sự ưu ái của Trịnh Thái hậu – mẹ của Lý Di, và được chọn làm một trong những phi tần của vị vua trẻ. Đó cũng là khởi đầu cho chuỗi ngày Kim Linh làm nhiều việc xấu xa hơn để loại bỏ tất cả các đối thủ cạnh tranh của mình.
Mỹ nhân tâm kế
Lên sóng vào năm 2010, sau 10 năm, “Mỹ nhân tâm kế” vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim cổ trang cung đấu đáng xem nhất mọi thời đại. Bộ phim do Vu Chính làm biên kịch, lấy ý tưởng từ tiểu thuyết “Vô tận chìm nổi” của Tiêu Kỳ Anh.
“Mỹ nhân tâm kế” kể về cuộc đời đầy thăng trầm của hoàng hậu Đậu Y Phòng (Lâm Tâm Như nơi thành Trường An vào đầu thời kỳ Tây Hán. Phim đã khắc họa lại rõ nét những nỗ lực và thành tựu của bà chốn hậu cung cũng như ảnh hưởng của Hán Văn Đế (Trần Kiện Phong) – người mở đường cho chính sách về thuế và lao dịch.
Nàng Đậu Y Phòng cùng phu quân là Lưu Hằng trong "Mỹ nhân tâm kế". |
Đậu Y Phòng vốn tên là Vân Tịch, vì thông minh và nhanh nhạy, bà được Lã Hậu đưa đến Đại Quốc làm Vương Phi, nhưng mục đích chân chính là làm nội gián giám sát mẹ con Bạc Cơ và Lưu Hằng.
Thương yêu bách tính nhưng lại sợ Lã Hậu nghi ngờ, bà đề nghị chồng là Lưu Hằng (Hán Văn Đế sau này) tu sửa lăng tẩm bí mật luyện binh. Trong khi mọi người đều cho bà là “hồng nhan họa thủy”, Lưu Hằng lại tin tưởng và phong bà làm Vương Hậu.
Sau này, khi Lưu Hằng đăng cơ, Đậu Y Phòng trở thành Hoàng hậu Đại Hán, cùng phu quân trải qua rất nhiều biến cố, tạo nên thiên thu đại nghiệp. Thế nhưng, khi đã có quyền lực trong tay, bà lại cảm thấy tình cảm phu thê dường như ngày càng phai nhạt.
Vì thế, Đậu Y Phòng tìm đủ mọi cách để vãn hồi tình cảm của trượng phu, ngăn cản các nhi tử tương tàn, dùng thủ pháp độc đáo của mình, hết lần này đến lần khác hóa giải mọi nguy cơ, góp phần sáng lập một thời kỳ thịnh thế "Văn Cảnh chi trị".
Cung tỏa tâm ngọc
Đây lại là một bộ phim nữa do nhà biên kịch Vu Chính chắp bút, sản xuất bởi đài truyền hình Hồ Nam và được ra mắt vào năm 2011. Phim lấy đề tài “xuyên không”, với bố cảnh là triều đại nhà Thanh, bắt đầu từ năm Khang Hy thứ 47 (1708) đến năm Ung Chính thứ 4 (1726).
Nội dung phim xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa Tình Xuyên (Dương Mịch) và các A ca, cũng như những âm mưu nham hiểm hòng tranh giành địa vị cùng quyền lực nơi cung cấm.
Khoảnh khắc hạnh phúc của Tình Xuyên bên Bát A ca Dận Tự trong "Cung tỏa tâm ngọc". |
Vượt thời gian trở về quá khứ trong một lầm đuổi theo bức “Mỹ nhân đồ”, Tình Xuyên có cơ hội gặp gỡ Tứ A ca Dân Chân (Hà Thịnh Minh), Bát A ca Dận Tự (Phùng Thiệu Phong) và nhiều vị A ca khác. Cũng từ đó, cô bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực khốc liệt cũng như mối tình tay ba với Tứ A ca và Bát A ca.
Sau này, Tứ A ca Dân Chân trở thành hoàng đế Ung Chính, trong khi Bát A ca thành Liêm Thân Vương. Mắt thấy Tình Xuyên dành trọn tình yêu cho Liêm Thân Vương, Ung Chính đã tước bỏ quyền hành của Liêm Thân Vương Dận Tự và tống vào Tông Nhân phủ.
Tình Xuyên sau khi cầu xin Ung Chính thả Dận Tự, nhân một lần hiếm có (9 vì sao hội tụ, mở ra cánh cửa xuyên không gian) đã trở về thời hiện đại sống cùng với người thân của mình, mang theo hy vọng có thể hàn gắn tình cảm của hoàng đế Ung Chính và Liêm Thân Vương.
Phim kết thúc với cảnh Bát A ca Dận Tự xuất hiện ở thời hiện đại, “mặt đối mặt” với Tình Xuyên trước cửa tiệm đồ cổ nhà cô. Để lại một đoạn kết mở, “Cung tỏa tâm ngọc” dường như muốn mỗi khán giả sẽ tự tạo nên kết phim và cũng là cái kết cho tình cảm của Tình Xuyên và Bát A ca theo ý riêng mình.
Đinh Kim (T/h)