Ngày 7/4, báo Công lý dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa cứu sống một bệnh nhân bị rắn hổ đất cắn.
Bệnh nhân nói trên là ông H.P.H. (70 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) .
Báo Giao thông dẫn lời người nhà bệnh nhân cho hay, ông H.P.H đi ra sau vườn nhà. Khi đến bụi cỏ rậm, ông H. vô tình giẫm chân lên con rắn hổ đất và bị con rắn cắn vào bàn chân.
Phản xạ tự nhiên, ông H. khom người xuống lấy tay trái chụp con rắn và tiếp tục bị rắn cắn vào bàn tay trái.
Vết rắn hổ đất cắn trên tay trái của ông H, gây bầm tím. Ảnh: Báo Giao thông
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, ông H. được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phước Long cấp cứu ban đầu. Sau đó, ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu tiếp tục điều trị.
Tại đây, ông H. được các bác sĩ tiêm 18 lọ huyết thanh, hồi sức tích cực.
Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân H. đã được rút ống thở, sức khỏe dần hồi phục, tiếp xúc tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Thông tin trên báo Dân trí, rắn hổ đất, còn có tên gọi là rắn hổ mang một mắt kính, rắn hổ phì… có tên khoa học Naja kaouthia. Loài rắn này được phân bố từ Ấn Độ, Bangladesh đến một phần nhỏ phía Tây Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam…
Tại Việt Nam rắn hổ đất chỉ phân bố tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh thành ở phía Nam.
Rắn hổ đất có thể sống ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả rừng ngập mặn, ruộng lúa, đầm lầy, đồng cỏ, khu vực đất nông nghiệp… Rắn hổ đất cũng có thể bắt gặp ở những khu vực con người sinh sống, bao gồm cả ở những thành phố, do vậy chúng có thể chạm mặt với con người.
Rắn hổ đất. Ảnh: Dân trí
Rắn hổ đất có kích thước lớn hơn đôi chút, thường dài từ 1,3 đến 1,5m và có khả năng dài đến 2,3m, dù hiếm gặp.
Khi cảm thấy bị đe dọa, rắn hổ đất thường ngóc cao đầu và phình rộng mang. Phía sau của phần mang có thể quan sát thấy một hoa văn hình tròn giống như mắt kính. Thức ăn của loài rắn này bao gồm động vật gặm nhấm, cá, ếch và cả một số loài rắn khác…
Rắn hổ đất cũng có thể phun nọc để tấn công kẻ thù, nhưng chúng chủ yếu sử dụng răng nanh để cắn và tiêm nọc độc.