Theo thông tin từ Ancient Origins, được dẫn lại bởi Người Lao Động, từ năm 2016 đến 2021, ngư dân ven sông Musi, thành phố Palembang, Indonesia đã liên tục tìm thấy nhiều món cổ vật quý giá, bao gồm nhẫn vàng và châu báu, trong lúc đánh bắt cá.
Trước đó, những truyền thuyết về kho báu vàng của vương triều Srivijaya được chôn vùi tại đảo Sumatra thuộc quần đảo Sunda vẫn thường được kể lại nhưng không mấy ai tin. Tuy nhiên, những phát hiện của ngư dân đã thay đổi tất cả.
Một số món trang sức được tìm thấy. Ảnh: Wreckwatch Magazine
Cụ thể, các ngư dân đã vớt được một lượng lớn nhẫn vàng với biểu tượng tinh xảo nạm hồng ngọc, cùng với những chiếc nhẫn nghi lễ bằng vàng gắn kim cương 4 ngạnh – biểu tượng sấm sét trong văn hóa Hindu. Ngoài ra, họ còn tìm thấy tiền xu và chuông đồng được sử dụng trong các nghi lễ của tăng lữ.
Tiến sĩ Sean Kingsley, một nhà khảo cổ học hàng hải người Anh, cho biết: "Ngoài trang sức, lòng sông Musi còn chứa hàng tấn tiền xu Trung Quốc và đồ gốm sứ, chứng tỏ mối quan hệ giao thương giữa đảo Sumatra và Trung Quốc đã phát triển từ rất lâu đời. Việc tìm thấy tượng Phật và chuông đồng dưới đáy sông Musi cũng cho thấy Phật giáo từng được truyền bá vào Indonesia trong quá trình giao thương với Trung Quốc từ thời cổ đại."
Trong số những hiện vật được ngư dân trục vớt, nổi bật nhất là một bức tượng nạm ngọc có kích thước lớn, được định giá hàng chục tỷ đồng và có niên đại từ thế kỷ thứ 8. Bức tượng này được xem là bảo vật có giá trị cao nhất trong các phát hiện.
Những trang sức được thiết kế vô cùng tinh xảo. Ảnh: Wreckwatch Magazine
Các nhà nghiên cứu xác định rằng những cổ vật và nhẫn tìm thấy có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14, trùng khớp với thời kỳ tồn tại của nền văn minh Srivijaya. Các nhà biên niên sử ghi nhận rằng trong khi thế giới phương Tây Địa Trung Hải chìm vào Thời kỳ Đen tối ở thế kỷ thứ 8, một trong những vương quốc vĩ đại nhất thế giới đã vươn lên ở Đông Nam Á. Trong hơn 300 năm, vào thời kỳ đỉnh cao, Srivijaya kiểm soát các tuyến đường huyết mạch của Con đường Tơ lụa trên biển, biến nơi đây thành một thị trường khổng lồ buôn bán hàng hóa địa phương, Trung Quốc và Ả Rập. Quyền lực của Srivijaya lan rộng khắp nhiều hòn đảo, đến mức không ai biết giới hạn thực sự của nó.
Bức tượng Phật được tìm thấy. Ảnh: Wreckwatch Magazine
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng người Srivijaya chủ yếu sống trên sông nước, trên những chiếc thuyền di chuyển. Do đó, khi đế chế này sụp đổ, toàn bộ của cải của họ đã chìm sâu xuống lòng sông. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên nhân vương quốc này biến mất vẫn còn là một bí ẩn trong các tài liệu lịch sử, thông tin trên Văn hóa & Phát triển.