Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đẹp mê hồn những dấu tích tháp Chăm cổ ở Ninh Thuận

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Tháp Pôklông Garai, Pô Rômê và Hòa Lai là 3 tháp Chăm nổi tiếng ở vùng đất Ninh Thuận.

Tháp Pô Klông Garai

Quần thể tháp Pô Klông Garai bao gồm ba công trình: tháp chính thờ vua Pô Klông Garai, tháp cổng phía Đông và tháp Thần Lửa mái hình thuyền ở hướng Nam. Khu tháp được bao bọc bởi tường thành vuông góc ở hai mặt Đông và Nam.

Tháp Pô Klông Garai. Ảnh minh họa.

Với giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tinh xảo thể hiện qua các phù điêu Thần Siva, tượng Bò Thần Nandin và tượng vua, công trình này đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia từ năm 1979. Tháp chính cao trên 20m, có nhiều tầng và đỉnh nhọn biểu tượng Linga. Các góc tháp trang trí ụ vuông nhỏ, tượng thú đá và hình ngọn lửa bằng gạch. Tháp có cửa chính hướng Đông với mái vòm, trụ đá khắc chữ Chăm cổ và phù điêu thần Siva sáu tay. Ba cửa giả còn lại ở các hướng Nam, Bắc, Tây có trụ ốp gạch và tượng thần trong tư thế thiền.

Ngay cửa vào, bên trái đặt tượng bò thần Nandin bằng đá, đầu quay về phía tháp. Bên trong tháp chính có Yoni hình chữ nhật kích thước 1,47m x 0,94m, trên đó là Linga tròn khắc hình vua Pô Klông Garai. Phía trước tháp có sảnh nối với sân bằng bậc thang để cúng tế.

Đi thẳng về hướng Đông là tháp cổng cao gần 9m, có hai cửa thông suốt theo trục Đông - Tây. Tháp này được xây theo kiểu thu nhỏ dần lên trên.

Nằm giữa hai tháp trên, về phía Nam là tháp thờ Thần Lửa, cao hơn 9m. Tháp có ba cửa mở ra các hướng Đông, Bắc, Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Đây là nơi các tu sĩ Bàlamôn và thầy cúng thực hiện nghi lễ và giữ lửa tế. Điểm đặc biệt của tháp là mái nhà hình vòm cong, gợi nhớ đến mái nhà rông Tây Nguyên hoặc hình thuyền trên mặt trống đồng.

Phía sau tháp chính có miếu thờ hoàng hậu Kút (Tố Lý theo sử sách). Bên ngoài tường thành phía Nam còn có một trụ đá Linga cao 2,2m.

Tháp Pô Rômê

Tháp Pô Rômê. Ảnh minh họa.

Tọa lạc tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tháp Pô Rômê, hay còn gọi là tháp Hậu Sanh, vẫn là một địa điểm linh thiêng đối với người Chăm. Họ thường xuyên đến đây để thực hiện các nghi lễ cầu khấn trong những dịp lễ tết truyền thống. Được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI, tháp Pô Rômê không chỉ là một biểu tượng cho thời kỳ vàng son của vương quốc Chăm Pa mà còn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị vua độc lập cuối cùng – Pô Rômê. Năm 1992, di tích lịch sử cấp quốc gia này đã được công nhận và bảo tồn. Về mặt kiến trúc, tháp Pô Rômê mang nhiều nét tương đồng với tháp Po Klong Garai, tiêu biểu cho phong cách "Muộn" phát triển sau thế kỷ XIII. Đặc trưng của công trình này là sự tối giản trong các chi tiết hoa văn, phù điêu và trang trí chạm khắc so với các cụm tháp Chăm khác, bao gồm tháp chính, tháp phụ và một miếu nhỏ.

Tháp chính nổi bật với kiến trúc vuông vắn ba tầng, chiều cao khoảng 8 mét và cạnh đáy rộng gần 8 mét. Điểm đặc biệt trên đỉnh tháp là một khối đá lớn tạo hình như một ngọn tháp thu nhỏ, với bốn mặt cong và được tô điểm bằng những đường khắc vạch tinh tế. Hướng về phía Đông là mặt chính của tháp, nơi có cấu trúc cổng dạng tiền sảnh. Bên trong không gian tháp, tượng vua Pô Rômê cao khoảng 1,2 mét được trang trọng thờ cúng. Cùng với đó, còn có một tượng bán thân nữ cao khoảng 0,75 mét, được người Chăm gọi là tượng hoàng hậu Po Bia Sancan, người Êđê. Nội thất tháp có không gian hẹp, kéo dài theo trục Đông – Tây và mở ra một đoạn hành lang nhỏ ở khu vực tiền sảnh, nơi trần được lát bằng gỗ.

Tháp Hòa Lai

Cụm tháp Hòa Lai nằm sát quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 15km về phía Bắc. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ 9. Đây là một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, gồm 3 tháp; tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam, tuy nhiên tháp Giữa xây dở dang nên hiện nay chỉ còn nền tháp.

Tháp Hòa Lai. Ảnh minh họa.

Tháp Bắc cao, được xây bằng gạch, mặt tường bằng gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú, lá hoa.... rất tinh xảo. Tháp Nam cao hơn, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch được chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang được phác thảo. Cụm tháp Hòa Lai được đánh giá là cụm tháp rất đẹp, đã làm say lòng nhiều du khách. Tháp có giá trị v ề lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và hiện nay tháp đã được trùng tu, tôn tạo.

Tin nổi bật