Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đến núi Bà Đen khám phá đặc sản văn hóa Khmer người Nam bộ dịp 30/4-1/5

  • Thu Hà
(DS&PL) -

Vào các ngày cuối tuần đến hết dịp lễ 30/4, một loạt các loại hình nghệ thuật trình diễn là đặc sản của văn hóa Khmer sẽ được tái hiện trên núi Bà Đen, Tây Ninh.

 

Không chỉ nổi tiếng là điểm đến tâm linh linh thiêng gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu tại hệ thống chùa Bà và tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cùng tôn tượng Di Lặc Bồ Tát trên đỉnh núi, núi Bà Đen còn là nơi phải đến của những người yêu thích khám phá những đặc sắc văn hoá bản địa của người Nam bộ, đặc biệt trong các dịp lễ.

 

Tại Tây Ninh có đến 29 dân tộc cùng sinh sống, trong đó Khmer là dân tộc thiểu số chiếm số lượng đông nhất với hơn 7,5 nghìn người, và Tây Ninh được xem là cái nôi của văn hoá Khmer miền Nam bộ. Do đó, Chôl Chnăm Thmây – lễ hội chào đón năm mới vào tháng 4 theo lịch của người Khmer luôn được tổ chức rất quy mô tại Tây Ninh.

 

Ngay từ đầu tháng 4, không gian Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer đã được tái hiện vô cùng sinh động trên đỉnh núi Bà Đen, mở đầu cho chuỗi lễ hội mùa hè tại ngọn núi cao nhất Nam bộ. Lên đỉnh núi Bà Đen trong tháng 4 này, du khách sẽ được “mục sở thị” rất nhiều các tiết mục nghệ thuật đặc trưng mang âm hưởng riêng có của người Khmer.

 

Múa trống Chhay-dăm là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của người Khmer ở Tây Ninh. Ban đầu hình thành chủ yếu trong các dịp tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sel Dolta hay trong các lễ cúng, đón rước thần linh, sau đó trống Chhay-dăm xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng trong các phum, sóc và trở thành nếp sinh hoạt văn hoá đặc trưng mang tính biểu tượng của đồng bào dân tộc Khmer. Tại núi Bà Đen, di sản văn hóa phi vật thể này sẽ được trình diễn điệu nghệ bởi chính các nghệ nhân người Khmer trên địa bàn Tây Ninh.

 

Múa trống Chhay dăm đòi hỏi sự đồng điệu giữa động tác và âm thanh, với các động tác khi mạnh mẽ như võ thuật, khi uyển chuyển trong vũ điệu đẹp mắt. Loại hình biểu diễn nghệ thuật này có ý nghĩa tôn vinh các vị anh hùng dũng cảm trong quá khứ. Những vũ điệu của múa trống Chhay-dăm còn có ý nghĩa thể hiện sức mạnh, bản lĩnh của đấng nam nhi. Các chàng trai Khmer múa càng đẹp, càng hay thì sẽ càng được nhiều cô gái theo đuổi và được người người trong phum, sóc quý mến.

 

Cùng với trống Chhay – dăm, múa Khmer là điệu múa truyền thống thể hiện tài năng, nếp sống văn hoá, đồng thời cũng thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, gắn với tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục của người Khmer. Đến với núi Bà Đen trong các ngày cuối tuần, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những vũ điệu Khmer rộn ràng, được trình diễn bởi những thiếu nữ Khmer mặc váy sampot dài phủ kín đến gót chân với áo tơ tằm rực rỡ sắc màu, và các chàng trai Khmer trong chiếc áo xà rông truyền thống.

 

Trình diễn nhạc ngũ âm cũng là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của người Khmer rất được nhiều du khách háo hức chờ đón tại núi Bà Đen trong tháng 4 này. Là một dàn nhạc, được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ, làm từ 5 loại chất liệu khác nhau, tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da, nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer khi hòa tấu sẽ tạo ra âm thanh độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến sâu lắng, hào hùng.

 

Nếu như ở Bắc Bộ có tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn, thì ở vùng đất Nam Bộ có tín ngưỡng thờ Bà gắn với trình diễn múa bóng rỗi. Múa bóng rỗi (hay còn gọi là múa mâm vàng) là loại hình nghệ thuật có từ thời khai hoang, lập ấp vùng đất Nam Bộ cách đây hơn 300 năm, thể hiện lòng tôn kính thần linh, cảm tạ Bà đã che chở cho con người, đồng thời bày tỏ ước mơ về một cuộc sống thanh bình, an cư lạc nghiệp của người dân Nam Bộ.

 

Trên tay các nghệ sĩ múa mâm vàng là đồ mã dùng các loại giấy màu để tạo hình ngôi tháp dán trên chiếc mâm nhôm. Múa mâm vàng đòi hỏi sự uyển chuyển, khéo léo với nhiều động tác như dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyền mâm trên vai, trên lưng, thậm chí dùng bàn chân để dâng mâm. 

 

Những điệu múa có sự hòa quyện, kết hợp giữa yếu tố linh thiêng, tâm linh và cả những niềm vui rất thực trong đời sống người dân Nam bộ đã trở thành đặc sản của vùng đất miền biên Tây Ninh, và được tái hiện sống động trên đỉnh núi cao nhất Nam bộ.

 

Cùng với không gian văn hoá Khmer độc đáo, nhiệt độ mát lạnh như một “tiểu Đà Lạt” và các hiện tượng mây kỳ thú như mũ mây, biển mây, dải thiên hà… liên tục xuất hiện trong tháng 4, núi Bà Đen đang trở thành điểm đến lý tưởng trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay với việc di chuyển thuận tiện và nhanh chóng từ TP.HCM.

Tin nổi bật