UBND cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu
Sáng 12/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ 2, đầu giờ sáng nay, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).
Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp với tình hình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo đó, dự thảo luật sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp.
Trong đó, lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện...
Dự thảo luật đề xuất cho phép UBND cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn.
Lý giải điều này, Bà Hải cho biết: "Vì sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính, số lượng đầu mối cấp xã trực thuộc cấp tỉnh sẽ tăng lên rất nhiều. Do đó, việc giao cấp tỉnh phê chuẩn sẽ tăng nhiều thủ tục hành chính, tầng nấc trong triển khai công tác bầu cử ở địa phương, tăng khối lượng công việc quá nhiều cho cấp tỉnh".
Tuy nhiên, để bảo đảm trách nhiệm và sự kiểm soát của cấp trên trực tiếp, dự thảo quy định trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Về số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã, dự thảo luật quy định là từ 9 đến 15 thành viên thay cho từ 9 đến 11 thành viên như hiện hành.
Lý do là bởi số lượng tổ bầu cử ở cấp xã có thể tăng lên do sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã thành một đơn vị hành chính cấp xã mới. Các tổ bầu cử có thể vẫn giữ phạm vi, quy mô như kỳ bầu cử trước.
Dự thảo luật lần này cũng điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Theo đó, dự kiến quy định từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày, rút ngắn từ 70 ngày so với luật hiện hành.
Điều chỉnh khoảng cách thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai xuống còn 2 ngày so với 5 ngày.
Ngoài ra còn điều chỉnh khoảng cách thời gian từ thời hạn cuối công bố, niêm yết danh sách người ứng cử đến ngày bầu cử xuống còn 16 ngày thay vì 20 ngày như luật hiện hành.
Đối với khoảng thời gian kể từ sau ngày bầu cử đến ngày khai mạc Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XVI/Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031.
Dự thảo điều chỉnh thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày sau bầu cử, giảm một nửa so với luật hiện hành.
Điều chỉnh thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại chậm nhất là 7 ngày sau ngày bầu cử, giảm từ 15 ngày so với hiện hành. Ngoài ra còn một số điều chỉnh rút ngắn thời gian khác.
Như vậy, sau khi thực hiện đủ các bước nêu trên, thời gian khai mạc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI sớm nhất có thể là 22 ngày sau ngày bầu cử.
Với các quy định mới này, khoảng cách thời gian ngắn nhất từ hạn cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới dự kiến rút ngắn được gần 40 ngày.
Điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết đa số ý kiến tán thành với việc sửa đổi giao UBND cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình (Ảnh: Media Quốc hội).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ ngay trong luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định UBND cấp xã thống nhất với người đứng đầu các đơn vị có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng để quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã xác định và được UBND cấp tỉnh phê chuẩn".
Về điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, ông Bình cho biết đa số ý kiến tán thành với việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giảm thời gian ở một số bước để bảo đảm tính khả thi.
Đơn cử như thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai còn 2 ngày hay thời gian từ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến lần thứ ba còn 17 ngày; thời gian tiếp nhận khiếu nại còn 3 ngày; thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại còn 7 ngày....
Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong luật về mốc thời gian của quy trình bầu cử và giao Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn chi tiết.