Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề xuất lắp 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP. HCM: “Vành đai bảo vệ” gây ùn tắc nội đô và nỗi lo phí chồng phí

(DS&PL) -

Để hạn chế ùn tắc giao thông, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM đầu tư ngân sách để xây 34 cổng thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm.

Để hạn chế ùn tắc giao thông, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM đầu tư ngân sách để xây 34 cổng thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm. Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, quận 3 và giáp ranh quận 5, quận 10 với tổng mức kinh phí dự kiến là 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về công tác quy hoạch, đặc biệt là hiện tượng “phí chồng phí” đang tạo gánh nặng cho người dân.

Đề án thu phí để hạn chế xe ô tô có thể giúp khu vực trung tâm thành phố giảm ùn tắc khoảng 30 – 50%.

Tuyến đường nào trong tầm ngắm?

Trao đổi chi tiết hơn về dự án này với PV báo ĐS&PL, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, sở GTVT TP.HCM cho biết: “Kinh tế ngày càng phát triển, đặc biệt là giá xe ô tô ngày càng rẻ. Vì thế, số lượng xe ô tô tại TP.HCM đã tăng 15% trong 6 tháng đầu năm 2019, trong khi xe máy chỉ tăng 6%. Đây là thách thức rất lớn, nếu không có biện pháp sẽ gia tăng điểm đen ùn tắc”.

Chính vì vậy, sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông. Mục tiêu của dự án là kéo giảm ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn thu ngân sách để bảo trì đường bộ và phát triển giao thông công cộng của thành phố.

Vành đai thu phí sẽ bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Từ đó, 34 trạm thu phí sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài thường xuyên kẹt xe.

“Vừa qua, vào giữa tháng 6/2019, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP.HCM đã ủng hộ chủ trương, thu phí xe ô tô chiều vào trung tâm và đề xuất triển khai thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công. Theo đó, UBND TP.HCM giao một đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định. Sau khi thực hiện xong, dự án sẽ tổ chức đấu thầu đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố”, ông Ngô Hải Đường trình bày.

Đại diện sở GTVT TP cũng khẳng định, việc thu phí chỉ áp dụng đối với xe ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra và không thu phí xe máy. Nếu chủ trương được chấp thuận, dự án sẽ giao cho trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021. Dự án bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.

Dự án đang chờ UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương. Khi đó, sở GTVT sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở ngành, UBND quận có liên quan, trình ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM để hoàn thiện nghiên cứu dự án. Tiếp đó, sau đó HĐND TP.HCM thông qua chủ trương, kế hoạch, dự án sẽ được chạy thử nghiệm, khảo sát trên mô hình rồi báo cáo UBND TP.HCM, trình HĐND TP.HCM phê duyệt, thống nhất cách triển khai, mức phí,...

Đồng thời, sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu và thống nhất về khung giờ cao điểm để thu phí, điều chỉnh mức phí với các hộ gia đình, người dân trong phạm vi có trạm thu phí. Dự kiến, nếu dự án được triển khai đồng bộ cùng các giải pháp khác như phát triển giao thông công cộng, quy hoạch hệ thống đường bộ,... thì trung tâm thành phố có thể giảm ùn tắc khoảng 30 – 50%.

Số lượng xe ô tô của TP.HCM đang tăng nhanh, khiến trung tâm thành phố chịu sức ép lớn.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Sau khi được đề xuất, dự án đã được dư luận quan tâm, không chỉ với người dân mà còn với các đơn vị, doanh nghiệp vận tải. Trong đó, các doanh nghiệp lo ngại phương án này sẽ tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm sức cạnh tranh về dịch vụ vận tải, cả với hành khách lẫn hàng hóa.

Đại diện hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng cho rằng, dự án này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nói: “Các doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí hình thức BOT trên khắp cả nước. Những khoản phí này là gánh nặng của doanh nghiệp và làm giá thành vận tải tăng cao, giá thành hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Thời gian gần đây, do cạnh tranh gay gắt, hàng loạt doanh nghiệp vận tải thường xuyên phải bù lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Bây giờ, nếu TP.HCM lại thu thêm phí khi đi vào trung tâm thành phố sẽ khiến doanh nghiệp tốn chi phí lớn, lại càng khó khăn hơn”.

Dù đồng tình với chủ trương hạn chế xe vào trung tâm thành phố nhưng một số chuyên gia đô thị cũng không đồng tình với phương án lập vành đai thu phí. Đánh giá về đề xuất của sở GTVT TP.HCM, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc thiết lập vành đai thu phí không khả thi về mặt kinh tế và gây bất tiện cho người dân.

Vị chuyên gia này cho biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, lượng xe ô tô vào nội thành không chỉ là xe của người dân thành phố mà còn là xe từ các tỉnh thành khác. “Để thu phí xe từ nơi khác vào trung tâm, cơ quan chức năng bắt buộc chủ xe phải gắn chip trong khi đây là quyền cá nhân của chủ xe. Nếu bắt buộc gắn chip nhưng chủ xe chỉ dùng một vài lần thì rất lãng phí. Dù đề xuất này dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore, Thụy Điển,... nhưng khi tham khảo kinh nghiệm cũng cần có sự chọn lọc”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Về vấn đề này TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức nhận định: “Điều quan trọng trong quy hoạch dự án là sự bố trí hợp lý của các trạm thu phí để lập thành vành đai. Vị trí lập trạm thu phí phải đảm bảo không ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và các hoạt động giao thông khác. Để làm được điều này, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ lưỡng cùng với sự góp ý của nhiều cơ quan khác”.

“Việc triển khai thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố là có thể thực hiện được. Nhưng lãnh đạo UBND TP.HCM cũng phải quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau thì mới có hiệu quả giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Nhiều nơi trên thế giới đã tiến hành giải pháp này, nhưng chỉ có một vài thành phố đạt được hiệu quả. Vì thế, việc lập một bảng so sánh đặc điểm dân cư, phân tích tại sao các nước thực hiện thất bại, từ đó rút kinh nghiệm khi áp dụng tại Việt Nam là rất cần thiết”, ông Vũ Anh Tuấn nói.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM bày tỏ: “Trên cơ bản, tôi đồng tình với đề xuất. Nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh để tránh hiện tượng “phí chồng phí”. Vì thế, trách nhiệm giám sát, phản biện của sở Tài chính rất quan trọng để xác định mức phí và thời gian thu phí với mục đích không làm ảnh hưởng đến giá cả dịch vụ vận tải nói chung”.

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 115

Tin nổi bật