Cụ thể, tại khu vực cảng TP.HCM có đến 5.800 container tồn đọng, Hải Phòng là 1.500 container, Đà Nẵng 186 container, Vũng Tàu 120 container. Đáng chú ý, số container tồn đọng trên 3 năm là 3.100 container, từ 1 - 3 năm là 1.240 container, dưới một năm là 3.200 container. Hàng phế liệu 1.000 container, đông lạnh 450 container, còn lại là hàng hóa khác trên 6.000 container.
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, lượng lớn container tồn đọng lâu ngày tại cảng biển chưa thể xử lý được do nhiều lý do khách quan như hãng tàu vận chuyển đã phá sản, chủ hãng từ chối nhận hàng hoặc không có thông tin liên lạc được với chủ hàng.
Hàng nghìn container "vô chủ" tại cảng Cát Lái
Các lực lượng liên quan cũng gặp khó khăn trong việc đưa ra phương án xử lý trong việc kiểm định, kiểm đếm hàng hóa tồn đọng. Một số container đã hoàn tất thủ tục và tiến hành đấu giá, tuy nhiên khách hàng đã từ chối mua do giá trị định giá hàng hóa quá cao nên vẫn chưa thể xử lý; thời gian xử lý hàng tồn đọng từ lúc đấu giá đến khi tiêu huỷ kéo dài, trong khi nhân sự bố trí phục vụ cho việc quản lý, giám sát, xử lý hàng tồn đọng còn hạn chế.
Thậm chí, trong số container tồn đọng thuộc diện hàng trọng điểm hoặc vi phạm được khóa, lưu trữ tại cảng theo yêu cầu của hải quan hoặc cơ quan điều tra, tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có thông tin xử lý từ các cơ quan có chức năng đối với các lô hàng này.
Mặt khác, chi phí để xử lý hàng hoá tồn đọng rất tốn kém, trong khi nguồn kinh phí không được bố trí thường xuyên; thủ tục thanh quyết toán chưa được hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến không có nguồn kinh phí để thực hiện xử lý hàng tồn đọng nên các bên liên quan đã dừng việc xử lý các lô hàng tồn đọng sau khi đã đăng thông báo, kiểm kê và phân loại hàng hóa.
Việc tồn đọng hàng hoá lâu ngày chiếm dụng kho bãi cảng, vỏ container của hãng tàu, làm giảm hiệu quả khai thác và luân chuyển bãi. Diện tích chứa hàng tồn đọng ngày càng tăng trong khi diện tích kho bãi có hạn làm tăng áp lực khai thác cho cảng vào những thời điểm cao điểm, giảm khả năng cạnh tranh với các đơn vị khác.
Đáng nói, các container hàng lạnh "vô chủ" phải duy trì chạy điện trong khi hàng hoá bên trong đã hư hỏng gây lãng phí lớn về năng lượng điện. Chi phí tiền điện các Cảng bỏ ra rất lớn nhưng không được chi trả. Các chi phí phát sinh do đưa hàng tồn đọng về khu vực lưu giữ làm tăng chi phí khai thác. Số lượng container lưu giữ trên 90 ngày Cảng cũng không thu được phí lưu bãi....
Việc hàng nghìn các container "chây ì" tại Cảng chưa được giải phóng, doanh nghiệp Cảng phát sinh nhiều chi phí trong việc lưu giữ và bảo quản nhưng không thu được phí, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và ô nhiễm môi trường….
Để tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan Hải Phòng bố trí nguồn tài chính, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày để giải phóng kho bãi cảng và thu hồi container rỗng.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính theo đó giảm bớt quy trình, thủ tục, giảm thời gian xử lý hàng tồn đọng tại cảng.