Không chỉ là khúc hát Xuân
Với người Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Chính vì thế, cứ đến mỗi dịp lễ trong năm, người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ... đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà cùng những chiếc đàn tính.
Trong tiết trời se lạnh xen lẫn những cơn mưa phùn đầu xuân; trong những ngôi nhà sàn, bếp lửa bập bùng; hay bên khe suối róc rách đều vang lên tiếng Then, đàn tính trong trẻo như mời gọi bạn bè tới chơi.
“Hàng năm khi đến Tết mẹ và các bác trong xóm đều sắm sửa những bộ áo chàm, mang theo cây đàn Tính ngân nga những câu hát Then. Đó là món ăn tinh thần là khúc hát nuôi tôi lớn. Là nụ cười của mẹ trong ngày nghỉ ngơi hiếm hoi sau những ngày mùa vất vả, tôi rất tự hào khi được làm người con dân tộc Tày”, chị Nông Thị Mơ, xã Cần Yên, Hà Quảng, Cao Bằng cho hay.
Then xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của người Tày tại Cao Bằng nói chung và tại huyện Hà Quảng nói riêng như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt...
Trong đó đàn Tính được coi là nhạc cụ “hồn cốt” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, đồng bào dùng tiếng đàn Tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm.
Ngoài ra Then còn được cất lên trong mỗi đêm trăng bên bờ suối, mỗi buổi hẹn hò và những ngày lao động mệt nhọc, hăng say sản xuất.
Để làn điệu Then Tày ngân xa mãi
Ngày nay, các làn điệu Then Tính không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà các bài Then có rất nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Ca ngợi quê hương, bản làng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền pháp luật...
Qua đó, giúp bà con hiểu biết hơn, đoàn kết hơn trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp Luật, chị Nông Thị Hằng, giáo viên trên địa bàn xã Cần Yên cho biết: “Hàng năm nhà trường đều tổ chức các cuộc thi hát Then, đàn Tính, đồng thời mở ra các câu lạc bộ dân tộc với mong muốn tạo một không gian sinh hoạt gần gũi hơn với các em học sinh. Đồng thời giúp các em biết và cảm nhận được tâm hồn dân tộc qua các làn điệu Then, đàn tính để thấy hình bóng quê hương, để tìm về chốn sinh thành, dưỡng dục và có thêm sức mạnh đi đến những chân trời mới”.
Trước dòng chảy của thời gian và sự giao thoa văn hóa, muốn để Then đến gần hơn với thế hệ trẻ, đã đến lúc phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn Then.
Trước dòng chảy của thời gian và sự giao thoa văn hóa, muốn để Then đến gần hơn với thế hệ trẻ, đã đến lúc phải đa dạng hóa phương thức bảo tồn Then. Bên cạnh công tác sưu tầm, phục dựng các điệu then cổ, chúng ta cần quan tâm tới các nghệ nhân hát then - những "báu vật sống" có khả năng truyền đạt cả giai điệu lẫn tình yêu, niềm say mê then tới giới trẻ.
Giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, việc lưu giữ những nét đặc sắc của cây đàn Tính – nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tày đã, đang và sẽ đưa loại hình âm nhạc này phát triển hơn trong cộng đồng. Qua đó, góp phần để lời Then, tiếng Tính của đồng bào dân tộc Tày cùng những làn điệu dân ca tiếp tục sống mãi với thời gian.
Thảo Ly