Hà Nội lại muốn cấm xe máy vào nội đô
UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030, nêu cụ thể các mục tiêu, định hướng, giải pháp để phát triển kinh tế. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP TP vào năm 2025 và năm 2030 tỉ lệ đóng góp là 90%.
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện được TP.Hà Nội đặt ra trong giai đoạn 2025-2030.
Trong đó đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" được giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp Công an TP.Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó trên 6 triệu xe máy.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Sở GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND các quận tham mưu giải pháp phát triển vận tải công cộng trong khu vực đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, xanh; tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ GTVT công cộng chất lượng cao, dịch vụ kết nối hệ thống giao thông công cộng.
Cơ quan này cũng được giao chủ trì, tham mưu Thành phố phát triển hạ tầng GTVT; tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung là các tuyến đường giao thông cho các huyện chuẩn bị thành quận, trục giao thông liên kết trong vùng thủ đô…
TP.Hà Nội cũng đặt ra nhiều giải pháp phát triển các ngành kinh tế đô thị, trong đó có việc phát triển thương mại – dịch vụ; phát triển công nghiệp – xây dựng; phát triển công nghiệp đô thị; phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế khác như kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè…
Cần phải nhớ rằng, đây không phải lần đầu Hà Nội đề cập đến việc cấm xe máy vào nội đô. Trước đó, năm 2017, TP.Hà Nội đã nêu đề xuất cấm xe máy ở 5 quận nội đô, bắt đầu thực hiện từ năm 2025, rút kinh nghiệm triển khai tiếp giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.
Đến năm 2019, đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” được Sở GTVT Hà Nội báo cáo gửi UBND thành phố, để cấm hẳn xe máy trong các quận trung tâm thành phố Hà Nội (năm 2030). Sở chia làm ba giai đoạn: 2019 - 2025, 2026 - 2030 và sau năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên hai tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố gồm: Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến đường Láng) sẽ thí điểm cấm xe máy vào năm 2019 - 2020; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy sẽ cấm xe máy sau năm 2020 khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động.
Cuối năm 2021, UBND TP.Hà Nội có báo cáo về Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Đáng chú ý, lần này UBND thành phố Hà Nội đưa ra kế hoạch thực hiện hạn chế xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.
Theo đó, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Ùn tắc giao thông đâu chỉ do xe máy
Đề án của UBND TP.Hà Nội ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các chuyên gia giao thông. Đa số hoài nghi về tính khả thi của đề án khi cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì “dục tốc bất đạt” là điều khó tránh.
Việc thu phí ô tô vào nội đô, dừng hoạt động của xe máy ở các quận là những ý tưởng nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt nỗi ám ảnh về nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội hiện nay; xây dựng Hà Nội thành một thành phố văn minh, thân thiện, hài hòa, phát triển kinh tế đô thị đi đôi với bảo tồn văn hóa…
Thế nhưng, những ý tưởng ấy chỉ có thể thực hiện dựa trên điều kiện "phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng" như chính đề án của thành phố đã nêu lên.
Cùng nhìn những dự án, những ý tưởng về giao thông công cộng đã và đang thực hiện như tuyến đường sắt trên cao qua 5 đời Bộ trưởng với 12 lần trễ hẹn mới có thể về đích; tuyến xe buýt nhanh (BRT) Yên Nghĩa - Kim Mã không phát huy tác dụng hay tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội khởi công năm 2009, hiện dự kiến điều chỉnh kéo dài thêm 5 năm, đến 2027,… thì việc người dân đặt dấu hỏi về tính khả thi của đề án là điều dễ hiểu.
Chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy.
Trao đổi với PV ĐS&PL, chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định rằng, việc cấm xe máy hoạt động ở nội đô vào năm 2030 là thiếu khả thi. Bởi theo ông, hiện nay hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, việc cấm xe máy hoạt động sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại.
Hiện, Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó trên 6 triệu xe máy; chưa kể hơn một triệu phương tiện vãng lai từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thủ đô. Mỗi ngày toàn thành phố có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng hơn 10%.
“Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, tức là phương tiện đi lại cho người dân chưa có, vậy nếu cấm xe máy - phương tiện chiếm tới 70% lưu lượng - thì người dân đi lại, làm ăn bằng gì?”, ông Thuỷ nhấn mạnh.
Nguyễn Xuân Thủy phân tích, nghiên cứu cho thấy, xe máy chỉ chiếm diện tích bằng 1/5 ô tô; 1 người ngồi trên xe buýt/đường sắt đô thị chiếm dụng đường bằng 1/10 ô tô. Đây cũng chính là lý do tại sao chúng ta vẫn ca ngợi và khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải công cộng.
Đặc biệt, theo ông Thuỷ, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, phần lớn người dân phải dùng xe máy là phương tiện để kiếm sống. Do đó, việc cấm xe máy có thể gây mất việc làm cho rất đông người dân Thủ đô, đây chính là vấn đề cốt lõi cần được giải quyết. TS. Nguyễn Xuân Thuỷ dự báo, đến năm 2040, Hà Nội vẫn sẽ có 20 – 30% người dân đi xe máy.
“Xe máy gây ô nhiễm ít hơn rất nhiều so với ô tô, xe máy cũng chiếm diện tích ít hơn nhiều so với ô tô. Vậy tại sao chỉ cấm xe máy mà không cấm ô tô cá nhân?”, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ đặt câu hỏi.
Ông Thuỷ cũng lo ngại trong trường hợp TP.Hà Nội cấm xe máy, người dân có thể đổ xô đi mua ô tô hoặc chọn ô tô làm phương tiện di chuyển chính. Trong khi hạ tầng còn yếu kém, đa số đường nhỏ hẹp, đường 4 làn xe rộng 20 - 30m còn rất ít, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở nội đô có thể tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.
Nguyễn Lâm