Tại dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ đề xuất chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.
Việc lựa chọn cán bộ, Chủ tịch xã sau sắp xếp nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, ĐBQH. Bởi, sau khi sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và cơ cấu lại cấp cơ sở, quy mô địa bàn, nhiệm vụ, trách nhiệm của lãnh đạo cấp này sẽ lớn và phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi năng lực, trình độ của chủ tịch UBND phải cao hơn.
Bảo đảm bộ máy hoạt động ổn định
Trao đổi với Đời sống & Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho hay, về khung pháp lý, hiện nay chúng ta chưa tiến hành sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương chuyển từ 3 cấp xuống còn 2 cấp, thì hoạt động điều hành, quản lý Nhà nước vẫn phải được duy trì thường xuyên, liên tục, không để xảy ra gián đoạn, gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Theo đại biểu, đây là một thách thức lớn trong giai đoạn Quốc hội đang từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để đảm bảo bộ máy hoạt động đúng quy định.
Hiện tại, chúng ta đang ở giai đoạn "giao thoa" từ nay đến khi tổ chức bộ máy được sáp nhập và vận hành theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới sẽ được sửa đổi trong Kỳ họp tới. Trong giai đoạn này, mặc dù luật chưa sửa, các hoạt động quản lý Nhà nước vẫn đang diễn ra thường xuyên, liên tục.
"Do đó, việc cấp trên xem xét, bổ sung, lựa chọn các chức danh đảm nhiệm tạm thời theo đề nghị từ cấp dưới là cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm bộ máy hoạt động ổn định chờ đến khi các quy định pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực", ông Tạo cho hay.
Trong việc xử lý tình huống khi khuyết vị trí Chủ tịch UBND cấp tỉnh, ông Tạo cho rằng, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì sẽ quy định bổ nhiệm quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm quyền Chủ tịch UBND cấp dưới để bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước được bình thường, thường xuyên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Ảnh: Quochoi.vn).
Chủ tịch UBND tỉnh lựa chọn, chỉ định lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở là hợp lý, hợp tình
Về quy trình lựa chọn cán bộ, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, quy trình lựa chọn cán bộ cần được xây dựng với các tiêu chí rõ ràng, đảm bảo ứng viên phải đạt chuẩn về kinh nghiệm quản lý Nhà nước, năng lực điều hành và được lựa chọn thông qua hệ thống chính quyền cũng như tổ chức Đảng tại địa phương.
Tùy theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ là người quyết định, trên cơ sở đề xuất và giới thiệu từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Cụ thể, ở cấp huyện, khi có đề xuất giới thiệu nhân sự, cơ quan Đảng cấp huyện sẽ có ý kiến, sau đó chuyển lên cơ quan Đảng cấp tỉnh (hiện nay là Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh) để xem xét, chọn lựa. Quy trình này được thực hiện qua nhiều cấp độ thẩm định, giám sát, từ đó đảm bảo tính chính xác và phù hợp khi Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định cuối cùng.
Việc lựa chọn cán bộ cần hướng đến mục tiêu minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng "chạy chức, chạy quyền". Dù đang trong quá trình sắp xếp và từng bước hoàn thiện, nhưng việc xây dựng một bộ tiêu chí rõ ràng, quy chuẩn thống nhất là cần thiết.
Trong thời gian trước mắt, việc chỉ định cán bộ mang tính tạm thời là cần thiết để bảo đảm bộ máy chính quyền hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhất cho nhân dân và xã hội. Dự kiến, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi và hoàn thiện vào cuối tháng 6 tới, khi đó, sẽ bầu ra được các chức danh cụ thể của chính quyền cơ sở.
Theo đại biểu, việc giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh trong lựa chọn, chỉ định lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở là hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn, giúp hoạt động hành chính Nhà nước diễn ra thông suốt, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
"Tôi ủng hộ cơ chế, chính sách pháp luật giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định nhân sự lãnh đạo cơ sở theo đúng thẩm quyền trên địa bàn quản lý của mình", ông Tạo nói.
Ngoài ra, ông Tạo cũng chia sẻ thêm, khi đơn vị hành chính cấp huyện không còn, khoảng 2/3 chức năng, nhiệm vụ sẽ được chuyển về cho cấp xã, còn 1/3 sẽ do cấp tỉnh đảm nhận. Điều này đòi hỏi phải tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ cho cấp xã để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác quản lý, điều hành.
Ông nhấn mạnh: "Tôi không lo ngại về năng lực hay trình độ cán bộ. Tôi tin rằng, đội ngũ cán bộ trong tương lai sẽ ngày càng được nâng cao cả về chuyên môn lẫn phẩm chất".
Việc chuyển 2/3 khối lượng công việc từ huyện về xã sẽ đi kèm với việc bố trí lại đội ngũ cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm chuyên môn trong quản lý Nhà nước để hỗ trợ cho xã. Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có dư địa để xem xét hồ sơ, quyết định nhân sự lãnh đạo địa phương một cách phù hợp, đảm bảo đúng quy trình và hiệu quả công việc.
Trả lời câu hỏi về việc nếu dự thảo Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì việc vận hành bộ máy cấp xã, phường sau khi sáp nhập sẽ ra sao, ông Tạo khẳng định, Nghị quyết được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành bộ máy chính quyền cấp xã, phường một cách thông suốt.
Quan trọng là phải bảo đảm sự kế thừa và duy trì hoạt động ổn định của chính quyền các cấp, từ đó phục vụ nhân dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng với sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cùng với hành lang pháp lý phù hợp cho giai đoạn chuyển tiếp, quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ đạt được hiệu quả cao và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Vừa quản trị vừa phải phục vụ nhân dân
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi lựa chọn cán bộ, cần nhất là sự công tâm của lãnh đạo đứng đầu và năng lực lãnh đạo tập thể của tổ chức trong quá trình tham mưu, đề xuất.
Trên cơ sở tiêu chí chung theo các quy định của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần cụ thể hóa các tiêu chí để phù hợp với cơ sở của mình.
Như địa phương ở miền núi, biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn sẽ có các tiêu chí khác nhau dựa trên tình hình thực tế, trên từng khu vực, tùy việc mà chọn người.
Theo ông Dĩnh, tới đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức cán bộ công chức cũng sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Theo dự thảo Luật Tổ chức cán bộ công chức (sửa đổi) dự kiến được trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 9, sẽ không phân biệt công chức cấp Trung ương, cấp cơ sở như trước mà quản lý theo vị trí việc làm.
Cấp Trung ương, tỉnh, thành, cơ sở đều cùng một hệ thống cán bộ công chức với chất lượng như nhau, đảm bảo năng lực, trình độ theo vị trí việc làm và có sự liên thông.
"Riêng cấp cơ sở, là cấp gần dân nhất nên không chỉ yêu cầu cụ thể về năng lực, trình độ, nghiệp vụ, đạo đức mà còn đòi hỏi cao về tinh thần thái độ làm việc phải tốt nhất, phải có kinh nghiệm tiếp xúc, kỹ năng vận động, thuyết phục trên tinh thần vừa quản trị vừa phải phục vụ nhân dân", ông Dĩnh nêu quan điểm.