"Hình thức thiến hóa học đã có nhiều nước trên thế giới làm. Nếu đưa hình thức này vào chế tài xử phạt, tôi dự đoán ít nhất sẽ giảm được 50% số vụ xâm hại tình dục trẻ em", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói: "Đọc báo cáo thấy nhiều vấn đề nóng mà rất buồn. Qua tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề này ai cũng rùng mình, bức xúc, ám ảnh, mong xử lý triệt để, nghiêm khắc đối tượng xâm hại trẻ em".
Theo ông, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em còn một số tồn tại.
Nhiều quy định trong tội “ấu dâm” chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án thân thiện, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân. Có những vụ án xâm phạm trẻ em nhưng người nhà đã thỏa thuận, che giấu, không dám tố cáo.
Từ thực trạng ấy, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị mở rộng hình thức xử phạt như “thiến hóa học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch… để răn đe.
"Hình thức thiến hóa học đã có nhiều nước trên thế giới làm. Nếu đưa hình thức này vào chế tài xử phạt, tôi dự đoán ít nhất sẽ giảm được 50% số vụ xâm hại tình dục trẻ em", ông Phương nêu quan điểm.
Ông cũng đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng đồng khi đưa tin, nêu về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.
"6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại; xâm hại tình dục chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em", đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phân tích số liệu.
"Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP.HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)".
Đáng nói, "những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội... lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt", bà Hiền nói.
Đại biểu Hà Nam cũng nhận định dù các địa phương đang phải ban hành văn bản để triển khai 11 chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng sự quan tâm, đầu tư lại chưa đúng tầm.
Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy, đến ngày 30/6/2019, cả nước có hơn 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25,75% dân số. Qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn. Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ bị xâm hại. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước. Trong các hình thức xâm hại trẻ em, nổi lên và gây bức xúc nhất là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. |
Cự Giải (T/h)